Rau quả sạch: Nghĩ đúng để sống an

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không khí ô nhiễm, nước bẩn, thực phẩm độc hại... là những gì con người đang đối mặt trong sinh hoạt mỗi ngày. Các thông tin về hậu quả của nó xuất hiện dày trên các phương tiện truyền thông luôn làm người ta bất an. Ăn uống, hít thở để sống khỏe chứ không phải để chuốc bệnh vào người, nhưng thực sự quá khó để chọn cho mình những sản phẩm an toàn, đạt chuẩn khi mà cái tiêu chuẩn ấy người tiêu dùng rất khó để kiểm tra. Tất cả đều do các nhà sản xuất và phân phối “công bố” sản phẩm hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cam đoan không sử dụng hóa chất, phân vô cơ…
 Người tiêu dùng chọn trái cây tại Chợ phiên nông sản an toàn huyện Kông Chro. Ảnh: NGỌC MINH
Người tiêu dùng chọn trái cây tại Chợ phiên nông sản an toàn huyện Kông Chro. Ảnh: NGỌC MINH
Cây cỏ là sinh vật nên vòng đời dù dài hay ngắn, thảo mộc hay đại thụ vẫn không thoát khỏi quy luật sinh-lão-bệnh-tử, ngoài chuyện hấp thu chất dinh dưỡng trong môi trường để sống, cây trồng luôn đối mặt với “bệnh tật” do mọi tác nhân như nấm, vi rút, vi khuẩn, tuyến trùng hoặc bị tấn công bởi sâu hại, các loại côn trùng. Lúc ấy thì dứt khoát phải dùng thuốc phòng-chống. Phân bón (hữu cơ hay vô cơ), thuốc bảo vệ thực vật (hóa học hay sinh học) là 2 yếu tố không thể thiếu trong chăm sóc cây trồng. Có thể ví von về sự khác biệt giữa 2 nhóm hữu cơ, sinh học với nhóm vô cơ, hóa học như là thuốc Tây y và Đông y vậy. Các hợp chất hóa học hoặc được chiết xuất từ nguyên liệu là thành phần chính của nhóm “Tây y” thường dùng giải quyết tức thời, ngược lại với nhóm hữu cơ thường tác dụng chậm hơn rất nhiều và khó thỏa mãn đủ nhu cầu chất dinh dưỡng cho cây trồng. Các biện pháp sinh học trong phòng-chống sâu bệnh hại thường không có kết quả rõ ràng và chậm so với hàng trăm nhãn thuốc đang được phép lưu hành trên thị trường.
Việc đáng quan tâm hàng đầu là ở các hóa phẩm kích thích sinh trưởng và bảo quản sau thu hoạch được sử dụng phổ biến vài năm gần đây. Các chất này sẽ thẩm thấu vào mô và tế bào thực vật và thường không kiểm soát được dư lượng. Khi sử dụng các sản phẩm này, chất kích thích sinh trưởng và bảo quản còn lại trên rau quả sau thu hoạch tiếp tục xâm nhập vào cơ thể con người, từ từ sẽ gây rối loạn sinh lý, sinh hóa, gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng. Người viết bài này có lần được biếu vài nải chuối sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP từ một công ty lớn chuyên trái cây, sau một tháng vẫn chưa ăn được vì không chín dù vỏ đã vàng ươm. Gọi cán bộ kỹ thuật để thắc mắc thì được trả lời rằng nếu muốn chín ngay thì phải ngâm thuốc để “hóa giải” lớp bảo quản, nếu không thì cứ để vậy sau 2 tháng sẽ chín. Tất nhiên, đành bỏ, chẳng dám ăn nữa!
Đối với nhà sản xuất, mục đích chính của họ là năng suất cao nhất, chi phí thấp nhất thì khó mà tin chuyện “sạch” khi sản phẩm của họ xuất vườn đưa vào thị trường. Sự cam đoan của họ chỉ nhằm trấn an người tiêu dùng đang hoang mang mà thôi. Tôi có thể cam đoan ngược lại rằng, không có cơ sở sản xuất nông nghiệp nào mà không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Họ hoàn toàn hợp pháp khi tiêu thụ những hàng hóa đã được phép bán và sử dụng trên toàn thế giới, kể cả các quốc gia có nền canh nông phát triển, đơn cử như Hoa Kỳ-nơi các quy định về an toàn thực phẩm rất chặt chẽ. Vấn đề cực kỳ quan trọng là sử dụng như thế nào, tính phù hợp, liều lượng, thời điểm... để dư lượng khi tiêu thụ nằm dưới mức cho phép. Cái này tùy thuộc vào lương tâm của nhà sản xuất và trách nhiệm của nhà quản lý.
Vì vậy, người tiêu dùng không nên quá tin vào những sản phẩm nông nghiệp được cho là “an toàn”, hãy là người tiêu dùng có hiểu biết: không có một sản phẩm nông nghiệp nào không sử dụng các chế phẩm hóa học mà có hiệu quả về năng suất và chi phí. Biết thế để thôi không lo lắng về “an toàn thực phẩm” nữa mà cần trang bị kỹ năng loại trừ khi tiêu dùng. Trước hết là nghĩ đúng. Sẽ rất sai lầm khi cho rằng có loại sinh vật nào đó không bệnh tật, không có những rối loạn nội tại hay bị tác động bên ngoài mà không cần uống thuốc phòng chống, điều trị. Vấn đề là dư lượng được hấp thụ vào bên trong hay còn bám dính bên ngoài có nằm dưới mức cho phép để bảo đảm an toàn hay không khi rau trái, thịt thà vào đến nhà bếp. Khi đi chợ, các bà nội trợ cần có cảm quan khi chọn lựa thực phẩm (và cảm quan như thế nào thì cần phải học) nhằm bảo đảm bước đầu rằng cái mình chọn mua không sử dụng quá mức các hóa phẩm. 
Đó là các loại rau quả có mùi hắc, mùi hóa chất, ngoại mạo bất thường (mập nhưng không chắc, láng mọng, trọng lượng “nhẹ tênh”, màu sắc không tự nhiên, dễ dập nát, lưu ý phần núm cuống không bị thâm nhũn…). Mua về rồi cần tiếp tục xử lý bằng cách ngâm nước muối hoặc rửa xả rau trái dưới vòi nước có khả năng loại trừ dư lượng hóa chất còn tồn đọng đến 90%. Số cứng đầu còn lại chắc chắn đã nằm dưới mức cho phép. Hạn chế ăn sống các loại rau, nên chần qua nước nóng, chịu khó gọt vỏ các loại trái cây trước khi dùng...
Đơn giản thế thôi là chúng ta có thể an tâm dùng bữa rồi.
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm