Sức khỏe

Dinh dưỡng

Rình rập nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến tai nạn xảy ra với con mình, chị Đut (làng Châm Rông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng. 
Chị kể: Gia đình người bà con đang xây nhà, khi chị sang giúp nấu ăn cho thợ, đứa con 2 tuổi của chị cũng theo sang chơi. Do nấu ăn nên chị không để ý con. Khi nấu xong nồi canh mang xuống để chuẩn bị múc ra tô thì bất ngờ con chị chạy loanh quanh và ngã vào đó. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi tỉnh cấp cứu, diện tích bị bỏng hơn 60% cơ thể. “Đến nay, cháu đã điều trị gần 1 tháng nhưng bác sĩ nói nhiều chỗ bỏng rất sâu, nguy cơ sẽ để lại sẹo”-chị Đut âu lo.
Nhìn con nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, thỉnh thoảng ú ớ vì đau đớn, chị Đut rầu rĩ: “Cũng tại mình không quan sát con nên mới xảy ra sự việc đau lòng này”.
Cũng chăm con tại Bệnh viện Nhi tỉnh, chị H’Răi (làng Châm Bôm, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) buồn bã cho biết: “Con mình 16 tuổi. Tuy chưa có bằng lái xe nhưng cháu vẫn thường lấy xe máy đi chơi. Mình cũng nhắc nhở hoài nhưng cháu không nghe. Vừa rồi, vợ chồng mình đi vắng. Cháu lén lấy xe đi chơi rồi tự ngã bị chấn thương, xây xát khắp người. Lúc nghe tin, mình hoảng lắm. May mà cháu không nguy hiểm đến tính mạng”.
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm khám cho em Trịnh Xuân An. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm khám cho em Trịnh Xuân An. Ảnh: Như Nguyện
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi tỉnh, tai nạn thương tích thường gặp nhất ở trẻ em là: bỏng, ngộ độc, tai nạn giao thông, ngã gây chấn thương. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) tiếp nhận bệnh nhi Trịnh Xuân An (14 tuổi, thôn Kim Năng, xã Ia Mơ Rơn, huyện Ia Pa) bị suy hô hấp nặng, phù phổi cấp, phù não do ngạt nước. Trước đó, bệnh nhi đã được Trung tâm Y tế huyện Ia Pa sơ cứu. Khi vào viện, bệnh nhi hôn mê, không tự thở được, tím tái, được đặt nội khí quản, bóp bóng, tim đập lại. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc-cho hay: Tình trạng bệnh nhi lúc nhập viện tiên lượng rất nặng. Bệnh nhi lơ mơ, phù phổi, kích thích, da tái, người toàn bùn đất, không có nhịp tự thở, thở theo bóp bóng. Sau khi được hồi sức cấp cứu 3 ngày, bệnh nhi tỉnh, hô hấp được cải thiện, rút ống thở và sức khỏe đã hồi phục. Đây là trường hợp hết sức may mắn đã được cấp cứu kịp thời và điều trị không để lại di chứng đối với trẻ.
Anh Trịnh Xuân Long-cha cháu An-cho hay: “Cháu không biết bơi. Hôm đó, sau khi đá bóng thì cả nhóm rủ nhau đi tắm sông và không may xảy ra tai nạn. Khi nhận tin, tôi lập tức đến bệnh viện và biết tình trạng của cháu rất nguy cấp. Tôi biết ơn tất cả các bác sĩ đã cứu chữa kịp thời giúp cháu qua cơn nguy kịch”.
Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, đến từ các nguyên nhân chủ quan (xuất phát từ chính bản thân trẻ em) và nguyên nhân khách quan (môi trường sống xung quanh, sự bất cẩn, chủ quan, lơ là của người lớn). Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ là do sự bất cẩn, thiếu giám sát, quản lý của người lớn. Theo bác sĩ Trang, ngoài tai nạn đuối nước, những ngày gần đây, số trẻ nhập viện do tai nạn giao thông, tai nạn thương tích… có chiều hướng gia tăng; trong đó có nhiều ca nặng phải chăm sóc, hồi sức tích cực. “Thời điểm nghỉ hè, trẻ có thời gian vui chơi, giải trí nhiều hơn. Vì trẻ thường hiếu động, nghịch ngợm nên các bậc phụ huynh cần quan tâm, quản lý trẻ chặt chẽ hơn. Ngoài ra, các gia đình cũng cần tạo điều kiện cho trẻ theo học các lớp kỹ năng sống, học bơi… giúp trẻ có thêm kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích cho bản thân”-bác sĩ Trang nói.
NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm