Xã hội

Lao động - Việc làm

Rõ hơn lộ trình cải cách tiền lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2023 được cho là năm mở đường để thực hiện cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27 của Trung ương khoá 12 ban hành năm 2018. Bộ Nội vụ cũng đã lên kế hoạch cho lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến thực hiện năm 2024.
Cải cách tiền lương sẽ khiến công chức, viên chức, trong đó có lực lượng giáo viên đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn. Ảnh: Thanh Tùng

Cải cách tiền lương sẽ khiến công chức, viên chức, trong đó có lực lượng giáo viên đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn. Ảnh: Thanh Tùng

Nỗ lực nhưng chưa đủ

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi cách tính lương từ việc sử dụng lương cơ sở như hiện nay nhưng việc cải thiện đời sống, thu nhập của người lao động, đặc biệt người lao động ở khu vực công còn diễn ra chậm chạp.

So với mức tăng của giá cả, yêu cầu của cuộc sống, chi tiêu hằng ngày thì lương công chức, viên chức đang ở mức trung bình thấp mà nhiều người gọi là “không đủ sống”.

Hệ lụy là tình trạng rút bảo hiểm để lĩnh một lần, công chức, viên chức không thiết tha với công việc do lương thấp và quan trọng với mức lương có tính chất “cào bằng” như hiện nay rất khó để thu hút nhân tài phục vụ cho khu vực công.

Tình trạng giáo viên bỏ việc, làn sóng bác sĩ bỏ nghề hoặc rời bệnh viện công sang bệnh viện tư đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Chị Phan Hòa đang làm công tác giảng dạy ở một trường đại học tại Hà Nội được nhà nước đảm bảo các khoản chi thường xuyên. Thế nhưng gần 10 năm làm việc, mức lương của chị chỉ hơn 3 triệu đồng, một khoản phụ cấp thì tổng thu nhập của chị chỉ gần 5 triệu. Sống giữa Thủ đô, chị Hòa khẳng định, mức lương công chức không đáp ứng được cuộc sống thường nhật.

“Tôi phải nhận gia sư vào buổi tối và ban ngày thì tận dụng lúc rảnh rỗi ở trường để… bán hàng online - chị Hòa nói.

Tương tự hoàn cảnh chị Hòa là rất nhiều bác sĩ ở các bệnh biện công lập mà khi trưng bảng lương không ít người ngỡ ngàng: Tổng mức lương, thu nhập, tiền trực của một bác sĩ có chục năm kinh nghiệm chỉ… 8 triệu đồng. Mỗi một đêm trực chỉ được trả khoản tiền công chưa đủ mua cái bánh mì pate.

Lỡ hẹn

Nghị quyết 27/2018 được kỳ vọng là sẽ mang lại những thay đổi cơ bản, trong đó trọng tâm là người lao động trong khu vực công sẽ được trả lương theo vị trí việc làm.

Nghị quyết đưa ra mục tiêu từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đã từng chia sẻ với Lao Động: “Trên thực tế cán bộ công chức là người quyết định chính sách pháp luật quốc gia, là người kiểm soát xã hội, là người thực thi công vụ nhưng lại được trả lương thấp nhất trong hệ thống, vậy sao không sinh sự?

Cứ động viên, khuyên bảo thì không phải, thực sự đây là động lực, công cụ kiểm soát việc thực hiện năng lực, chức trách có đúng hay không. Và họ có quyền được hưởng những đóng góp, đầu ra, sản phẩm của họ”.

Thế nhưng, việc triển khai Nghị quyết 27 đã gặp trở ngại: Do tác động bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị cho cải cách tiền lương còn bất cập, trong đó có việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn để cải cách.

Chính vì thế, tháng 10.2020, Hội nghị 13, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã quyết định lùi cải cách tiền lương đến ngày 1.7.2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đưa ra mốc mới: Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2022.

Tại Kỳ họp thứ hai ngày 13.11.2021, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15, về việc lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp thay vì từ 1.7.2022. Đồng thời, trong năm này sẽ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Cho đến tháng 10.2022, Quốc hội tiếp tục quyết định chưa cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 mà chỉ đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện điều này. Thay vào đó là sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1.7.2023.

Sẽ có lộ trình cụ thể

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, Nghị quyết nêu nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng; quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách. Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc”.

Như vậy, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền.

Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu xuân 2023 với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khối cơ quan Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu: Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ tập trung thực hiện “Ba đột phá” và “Bốn trọng tâm”.

Đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiến hành xây dựng lộ trình cho cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.

Như vậy, năm 2023 sẽ là năm đẩy nhanh quá trình cải cách tiền lương.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngay khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Có thể bạn quan tâm