Thời sự - Bình luận

Cải cách tiền lương: Dứt khoát không lùi thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Quốc hội đã có Nghị quyết, Bộ Chính trị đã có kết luận, từ 1.7.2022 dứt khoát phải cải cách tiền lương, không thể chậm hơn.

 

Quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2022. Ảnh Hải Nguyễn
Quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2022. Ảnh Hải Nguyễn


Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Tinh thần của Nghị quyết 27 là sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2021. Tuy nhiên, do tác động bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội, việc cải cách tiền lương phải phải lùi lại. Tháng 10.2020, tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua đồng ý lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 1.7.2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27.

Ngoài khó khăn bởi dịch COVID-19, công tác chuẩn bị cho cải cách tiền lương còn bất cập, trong đó có việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn để cải cách.

Nguồn lực cải cách tiền lương là một trở lực. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang phải dùng nhiều khoản chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống lại dịch COVID-19 bằng hàng loạt các chính sách thì câu hỏi: “Nguồn đâu để chi lương, thực hiện cải cách” trở thành bài toán nan giải.

Đã có những ý kiến cho rằng, với tình hình này cần nghiên cứu tiếp tục áp dụng cơ cấu tiền lương cũ, với một mức tăng vừa phải để khi kinh tế phát triển hơn, dịch COVID-19 bị đẩy lùi, lúc đó mới thực hiện cải cách.

Câu trả lời đã rõ khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Nhưng quyết tâm cải cách tiền lương đứng trước những khó khăn lớn.

Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn nói rằng: “Trong khi chúng ta nói dịch dã không có nguồn, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta quyết tâm vẫn làm được”. Bởi lẽ, lương cũng là nội dung để kích thích kinh tế, kích thích đầu tư.

Tiếp tục tinh giản biên chế mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, thực hành tiết kiệm những khoản chi không cần thiết, chủ động có những kịch bản ứng phó thì chúng ta sẽ nguồn, sẽ có điều kiện cải cách tiền lương.

Dứt khoát phải cải cách tiền lương, không thể chậm hơn, không được bàn lùi.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cai-cach-tien-luong-dut-khoat-khong-lui-them-943106.ldo
 

Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm