Kinh tế

Nông nghiệp

Róc lá mía giúp nâng cao năng suất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vụ mía năm nay, bà con nông dân xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) canh tác hơn 2.000 ha mía. Nhằm nâng cao năng suất loại cây trồng này, xã đã triển khai mô hình róc lá mía tại làng Mơ Hra-Đáp.
Chị Phạm Thị Ngọc Ánh-cán bộ nông nghiệp xã Kông Lơng Khơng là người đầu tiên thử nghiệm việc róc lá cho ruộng mía của mình. Chị Ánh cho biết: “Qua những lần tập huấn kỹ thuật canh tác mía, tôi thấy mô hình róc lá mía mang lại hiệu quả rõ rệt. Niên vụ 2016-2017, tôi thử nghiệm róc lá cho 1,4 ha mía. Kết quả, sản lượng đạt gần 150 tấn, thu nhập tăng thêm khoảng 10-15%. Vụ mía năm sau, cũng với diện tích đó tôi không róc lá sản lượng chỉ đạt 100 tấn”. Thực tế, việc róc lá giúp lóng mía dài, thân cây được hấp thụ đủ ánh sáng, thuận lợi trong sinh trưởng, phát triển và ngọt hơn. Đây là kinh nghiệm vốn có từ lâu trong dân gian nhưng chỉ mới áp dụng ở quy mô nhỏ lẻ. Khi trồng trên diện tích lớn, các vùng mía nguyên liệu hầu như chưa áp dụng kỹ thuật này. Do đó, chị Ánh đã quyết định triển khai đến bà con trồng mía, nhất là người dân tộc thiểu số để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.
Theo chị Ánh, việc róc lá mía thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10, khi cây mía đạt trên 5 tháng tuổi. Trong quá trình róc mía, cần bóc hết lá già, lá khô, chỉ để lại 8-10 lá xanh ở phần ngọn, đồng thời cắt, nhổ bỏ các cây sâu và các mầm, chồi vô hiệu. Lá mía và những cây mầm sau khi róc, cắt bỏ sẽ được rải đều trên mặt ruộng. Làm như vậy sẽ hạn chế xói mòn đất, ngăn cỏ dại mọc cũng như tạo nguồn phân hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây mía và làm cho đất được tơi xốp hơn. “Ruộng mía được róc lá sẽ thông thoáng, cây mía dễ tiếp cận nguồn ánh sáng, tăng cường quang hợp, cứng cáp, hạn chế ngã đổ; tạo thuận lợi cho việc di chuyển, kiểm tra đồng ruộng và chăm sóc. Đặc biệt, cây mía được róc lá sẽ làm lộ thiên rệp sáp, bọ phấn trắng, sâu đục thân… giúp côn trùng thiên địch tấn công tiêu diệt, từ đó giảm bớt mức sâu hại, tăng năng suất và chất lượng”-chị Ánh giải thích.
Ông Đinh Văn Minh-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bên ruộng mía đã được róc lá. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Văn Minh-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bên ruộng mía đã được róc lá. Ảnh: Ngọc Minh
Nhận thấy việc róc lá mía khô mang lại nhiều lợi ích, từ đầu tháng 8-2021, gia đình ông Đinh Hmưnh (làng Mơ Hra-Đáp) đã hăng hái xuống đồng triển khai thực hiện. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2 ha mía. Tôi được trưởng thôn và cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật róc lá mía. Những ngày đầu, vợ chồng tôi chỉ róc được gần 1 sào/ngày. Sau đó nhờ đổi công cho nhau mà 2 ha mía chẳng mấy chốc được róc xong. Hiện nay, ruộng mía nhìn rất đẹp, cây nào cây nấy mập mạp”.
Với cách vần đổi công, từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10, làng Mơ Hra-Đáp có khoảng 60 ha mía được róc lá. Trưởng thôn Đinh Văn Minh cho hay: Làng có 120 hộ trồng mía, trong đó có khoảng 60% hộ dân tham gia róc lá mía. Mô hình róc lá mía mặc dù mới song bà con tích cực tham gia, bình quân 1 ha/hộ. “Gia đình tôi có hơn 1 ha mía cũng đã róc xong lá. Tôi thấy kỹ thuật này đơn giản. Tuy tốn công lao động nhưng có thể khắc phục bằng cách đổi công cho nhau, tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Nếu việc róc lá mía đạt hiệu quả, vụ tới bà con sẽ chủ động thực hiện, xem đây là một kỹ thuật quan trọng trong chăm sóc mía”-ông Minh vui vẻ nói. 
Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-thông tin: “Vụ mía năm nay, xã triển khai mô hình róc lá mía tại làng Mơ Hra-Đáp. Thời gian tới, chúng tôi nhân rộng mô hình ra các thôn, làng khác”.
Nói về tác dụng của việc róc lá mía khô, ông Đỗ Công Trúc-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-khẳng định: “Việc róc lá khô sẽ làm cho đồng ruộng luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây mía. Bên cạnh đó, róc sạch lá mía khô trước thu hoạch cũng tạo điều kiện cho việc chặt mía sát gốc và thu hoạch thuận lợi hơn, giảm chi phí, giảm lượng tạp chất khi đưa về nhà máy”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm