"Rục rịch" mở lại thị trường xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoạt động xuất khẩu lao động đã có những dấu hiệu quay trở lại sau dịch Covid-19, với những đơn hàng sang các thị trường chủ lực.

 

Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Đài Loan làm việc sau dịch Covid-19. Ảnh: H.Long



Thị trường Đài Loan đã thông

Sau gần 4 tháng chờ đợi, giữa tháng 6, Công ty Hoàng Long CMS đã đưa 29 lao động (LĐ) sang Đài Loan theo đơn hàng của nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử xe máy thuộc Tập đoàn Kymco (Cao Hùng, Đài Loan). Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS cho hay: “Sau khi sang Đài Loan, các LĐ được chủ doanh nghiệp (DN) bố trí chỗ ở và cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm. Đây là một tin vui, báo hiệu những khởi sắc trở lại của thị trường xuất khẩu LĐ”.

Theo ông Hưng, nhu cầu sử dụng LĐ tại Đài Loan rất lớn. LĐ Việt Nam đang được ưu tiên vì nguồn LĐ lớn cho thị trường này là Indonesia và Philippines vẫn đang có dịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đang là xin visa LĐ. “Mỗi ngày, mỗi DN chỉ được duyệt visa 1 - 2 người. Chuyến bay thương mại chưa có nên giá vé máy bay cũng tăng cao. Dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 chúng tôi chỉ đưa được 70 - 80 người sang Đài Loan, giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 60%”, ông Hưng cho biết.

Ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế (Interserco), cũng cho biết trong tháng 7 đã bắt đầu làm thủ tục cho LĐ sang Đài Loan và ưu tiên cho các LĐ làm việc trong các ngành sản xuất, một số DN Đài Loan còn sẵn sàng thuê địa điểm cách ly cho LĐ Việt Nam.
Thận trọng, đảm bảo an toàn cho người lao động

Ngày 6.7, Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, mới đây, Chính phủ Malaysia đã chính thức thông báo kết thúc lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực sang áp dụng lệnh hạn chế di chuyển giai đoạn phục hồi. Theo đó, LĐ Việt Nam đang làm việc tại Malaysia có thể trở lại làm việc, tuy nhiên sau 31.8 mới được nhập cảnh Malaysia.


 


Thông tin tuyển lao động có “kỹ năng đặc định” là lừa đảo

Trước thông tin từ cuối tháng 6, một số cá nhân, đơn vị đăng thông báo tuyển LĐ đi Nhật Bản trong tháng 7 với số lượng lớn, bà Trần Thị Vân Hà, Phó trưởng phòng Truyền thông Cục Quản lý LĐ ngoài nước, khuyến cáo: “Hiện nay, Nhật vẫn đóng cửa biên giới, dự kiến cuối tháng này mới xem xét cấp lại visa LĐ, nếu dịch bệnh được kiểm soát. Việc một số cá nhân, đơn vị tuyển dụng LĐ có “kỹ năng đặc định” là thông tin lừa đảo, Cục vẫn đang hướng dẫn các DN và chưa triển khai, chưa thông báo thi tuyển. Vì vậy, người LĐ chỉ nên tham gia vào các công ty uy tín đã được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép, nghiên cứu kỹ thông tin về các đơn hàng, ngành nghề tuyển dụng, không nên tin những lời hứa hẹn tuyển LĐ mà không cần tay nghề”.




Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trước hết là đến các thị trường đang có nhu cầu và đã cơ bản an toàn, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, 3 thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm trên 90% tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hiện giới chủ sử dụng LĐ ở Hàn Quốc và Đài Loan đều muốn tiếp nhận LĐ Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc chính thức nối lại kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cho thấy thị trường này sớm mở cửa trở lại.

Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu LĐ rất cao, tập trung ở các ngành nghề: nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm... Hai nước đang đàm phán để mở cửa thị trường trở lại dự kiến vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Ông Liêm cho hay, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có văn bản hướng dẫn DN mở lại thị trường, trước mắt là các thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận LĐ Việt Nam.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ Việt Nam, cũng nhận định: “Thị trường xuất khẩu LĐ có dấu hiệu quay trở lại. Dự báo Nhật sẽ mở lại sớm, các DN cần chuẩn bị, tạo nguồn LĐ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải đàm phán với phía bạn để có những giải pháp linh hoạt đưa LĐ đến những địa bàn an toàn, không có dịch để đảm bảo an toàn cho người LĐ”.


 

Theo Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm