Hàng trăm héc ta rừng thông dọc quốc lộ 28 trên địa bàn Đắk Nông bị đầu độc, tàn phá để lấn chiếm đất cho thấy nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.
Một khoảng rừng thông dọc QL28 bị đầu độc, chết khô NGUYÊN BÌNH |
Bị “thảm sát” hàng loạt
Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ban hành Kết luận số 840/KL-TU về kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Kết quả kiểm tra cho thấy mức độ tàn phá nặng nề rừng thông dọc QL28 ở 2 xã Quảng Sơn và Đắk Ha (H.Đắk Glong). Từ năm 2010 - 2019, diện tích rừng thuộc khu vực 2 xã này giảm gần 226 ha; trong đó giai đoạn 2010 - 2015 giảm 146,16 ha; 2015 - 2019 giảm 80,71 ha.
Trên thực địa, có thể thấy cạnh QL28 thông chết hàng loạt vẫn đang diễn ra, từng vạt thông lớn nhỏ bị héo lá, khô cành, nhiều chỗ thông gãy đổ la liệt… Rừng thông bị hạ sát nằm phân tán, xen kẽ hoặc tiếp giáp với vườn rẫy, khu dân cư. Theo UBND H.Đắk Glong, phần lớn diện tích thông thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn; một phần do 2 xã Quảng Sơn và Đắk Ha quản lý. Nạn thảm sát rừng thông diễn ra trong thời gian dài, theo kiểu “gặm nhấm”, thủ phạm thường sử dụng các dụng cụ cưa, khoan điện nhỏ, ít tiếng ồn để khoan vào thân cây và bơm hóa chất vào lỗ khoan khiến thông chết khô dần. Thống kê vào tháng 10.2020 của UBND H.Đắk Glong, có hơn 4.800 cây thông trên diện tích gần 42 ha tại 2 xã Đắk Ha và Quảng Sơn bị đầu độc chết.
Cũng theo UBND H.Đắk Glong, từ năm 2010 - 2015, cơ quan công an đã khởi tố 4 vụ án hủy hoại rừng thông trên địa bàn, nhưng quá trình điều tra không phát hiện được đối tượng vi phạm nên đã tạm đình chỉ vụ án. Hiện có 2 vụ hủy hoại rừng thông với 4 nghi can liên quan đang bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra.
Buông lỏng quản lý
Theo kết luận của Tỉnh ủy Đắk Nông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá thông tràn lan ở H.Đắk Glong. Nhiều năm trước đây, tin đồn thành lập huyện mới tại xã Quảng Sơn đã kích hoạt giá đất ở đây tăng cao; từ đó dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rất phức tạp, khó kiểm soát. Kết luận cũng khẳng định Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong chưa thực hiện quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng; chính quyền cấp huyện, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý về lĩnh vực lâm nghiệp; chủ rừng còn buông lỏng quản lý. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; thậm chí còn có trường hợp cán bộ thuê người cắt rừng thông trái quy định. Từ đó, rừng bị phá với diện tích lớn nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn…
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Glong, cho biết lãnh đạo huyện đã tiếp thu chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Kết luận số 840/KL-TU; theo đó sẽ triển khai việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, xử lý sai phạm trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn. Theo ông Hợp, Huyện ủy Đắk Glong đang chỉ đạo tiến hành kiểm tra theo quy định đối với các tổ chức, đảng viên không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Hợp cũng cho biết huyện đã lập kế hoạch rà soát toàn bộ diện tích đất bị người dân lấn chiếm dọc QL28, kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa, giao đất cho chủ rừng trồng lại rừng. Đối với những diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, không phù hợp quy hoạch phát triển lâm nghiệp, thì sẽ nghiên cứu giải pháp, đề xuất lên cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp quy định…
Theo Trung Chuyên (Thanh Niên)