TN - Đất & Người

Rừng xà nu ngày ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước ngày Gia Lai-Kon Tum chia tách tỉnh, ai từng đi Đăk Glei dẫu chỉ một lần hẳn cũng chưa thôi ám ảnh.

Ấy thế mà ngay chuyến công tác đầu tiên, tôi đã xung phong đi cái huyện mù khơi địa đầu tỉnh ấy. Lý do đơn giản: Muốn được chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp hoành tráng của rừng xà nu mà mình đã học qua sách giáo khoa.

Toàn cảnh trung tâm huyện lỵ Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban/baokontum

Xuất phát từ Pleiku lúc 7 giờ sáng, mãi đến chiều hôm sau, chiếc xe khách (thực tế là chiếc xe tải được cải hoán) mới đưa tôi tới Đăk Glei. Cứ tưởng rừng xà nu… ở ngay huyện rồi, hóa ra phải đi vào các xã Xốp hay Đăk Chong, Mường Hoong. Dù lường trước xuống xã sẽ còn gian nan hơn bội phần chặng đường đã đi, tôi vẫn không từ bỏ ý định. Dịp may là có chiếc xe của công ty thương nghiệp huyện chở dầu, muối vào bán cho bà con dân tộc thiểu số, tôi xin “bám càng” và được “bác tài” đồng ý.

Đường Hồ Chí Minh bấy giờ chưa thông tuyến, nhiều quãng hãy còn là lối mòn, lổn nhổn sỏi đá. Mới qua Đăk Pét một quãng, thế hùng vĩ, hiểm hóc của vùng đất đã bày ra trước mắt tôi. Những sóng núi hình răng cưa trùng điệp nối tiếp nhau. Dễ có cảm giác núi non không mọc từ đất lên mà buông xuống từ biển mây sũng nước.

Tỉnh lộ 673 khấp khểnh bám vào chân núi, ngoặt ngoẹo như một sợi chỉ rối. Chỉ hơn cây số, xe chúng tôi bắt đầu bước vào xứ sở xà nu. Bây giờ thì tôi mới biết xà nu hóa ra là giống thông 3 lá nhưng so với thông nhựa, chúng mang một vẻ đẹp khỏe khoắn hơn nhiều.

Trên nền hoang sơ của đại ngàn, tầng tầng những thân cây cao vút, thẳng tắp cắm chi chít từ lũng sâu lên chóp núi lững lờ mây phủ; đuổi ra khỏi giang sơn của nó tất cả những thứ tạp nham vướng vít. Mặt trời phải vất vả lắm mới lách được vài tia yếu ớt xuống nền đất trải dày một thảm lá thơm mỡ màng.

Dường như để khẳng định thêm sự chiếm hữu bất diệt của nó, ở đâu trên nền đất cứng hay dọc bờ ta luy đá dốc đứng, những cây xà nu con cũng nhú lên một dáng đứng thẳng đầy kiêu hãnh, cứng cáp như những chiếc gai bằng kim loại. Miên man với những cánh rừng xà nu bất tận, tự dưng tôi có một cảm giác choáng nhẹ, tựa như lần đầu ra biển được bồng bềnh trên lớp lớp sóng xanh…

Lọt thỏm trong thung lũng giữa hai dãy núi đánh đai chất ngất, mới hơn 4 giờ chiều, không gian làng Kon Liêng đã xám màu đông từng mảng. Nền trời loang lổ ánh tà dương, chấp chới từng khoảng nắng mỏng manh như dát vàng. Qua từng ô cửa, đã nghe lừng lên mùi khói xà nu. Những đứa trẻ mập tròn như giọt mật cũng lấm lem khói xà nu. Căn nhà chúng tôi ngủ nhờ đêm ấy, chủ nhà tên gì lâu quá tôi cũng đã quên nhưng những gì ông kể về “cái ngày xưa” của người Xê Đăng thì vẫn nhớ.

Để tránh bị Pháp bắt xâu, mỗi ngôi làng là một thế giới biệt lập giữa rừng. Cuộc sống của họ vô cùng cơ cực, đặc biệt là đói muối. Để có muối, làng phải cử người gùi sản vật quý của núi rừng đi cả tuần xuống Quảng Nam đổi về. Mỗi bếp được chia một vốc dùng cho cả năm. Không ai dám bỏ vào thức ăn, chỉ thỉnh thoảng lấy vài hạt nhấm cho có vị mặn. Gian khổ tột cùng là thế nhưng họ vẫn quyết không khuất phục giặc Pháp. Bằng niềm tin vào thần linh, họ đã đứng lên hưởng ứng phong trào “Nước xu” của A Mét.

Chuyện rằng lần đầu lấy được một khẩu súng trường Pháp, cả làng đã tưởng thần linh giúp mình nhưng lại chẳng biết sử dụng nó thế nào. Cuối cùng, người dũng cảm nhất quyết định mang vào rừng khám phá… Sờ mó khắp các bộ phận nhưng cũng chẳng tìm thấy chỗ nào để lắp đạn vào. Nhờ chiếc quy lát tình cờ rơi ra, cuối cùng họ đã nhận ra chỗ. Nhưng lắp được đạn rồi thì lại chẳng biết làm sao cho nổ. Đẩy quy lát lên không thấy; kéo xuống thì đạn bị móc ra.

Nghĩ nát đầu, cuối cùng đành phải mang đi giấu với niềm tin: Súng phải là thứ Yàng chỉ cho riêng người Tây! Chẳng riêng người Kon Liêng, chính A Mét-vị lãnh đạo phong trào “Nước xu” cũng đoạt được một khẩu súng trường của Pháp nhưng chẳng biết bắn, vậy là đành phải giấu lên gác bếp... Nhờ cách mạng mà cái thế giới thần linh muôn năm ấy tan đi như ngọn khói. Vững lòng tin, người Xê Đăng một lòng theo cách mạng mà người Anh hùng A Mét là ngọn cờ đầu.

Đã 40 năm trôi đi từ chuyến đi công tác đầu tiên ấy. Thời gian đã thật dài nhưng tôi còn cảm giác nó dài hơn thế bởi rừng xà nu và những câu chuyện dưới tán rừng buổi ấy như đã thành cổ tích.

Có thể bạn quan tâm