Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Sa Pa được áp dụng "trường hợp đặc biệt" để trở thành thị xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại phiên họp 37, đa số các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc áp dụng trường hợp đặc biệt để thành lập thị xã Sa Pa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập thị xã Sa Pa. Ảnh VietnamJouney
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập thị xã Sa Pa. Ảnh VietnamJouney




Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/9, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.


 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh Quochoi.vn



Báo cáo thẩm tra đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định cho biết, căn cứ vào các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Sa Pa chỉ xấp xỉ đạt 3/5 tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1211; còn 2/5 tiêu chuẩn và 1 tiêu chí chưa đạt theo quy định của Nghị quyết số 1211.

Đó là: tiêu chuẩn tỷ lệ % số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã (mới đạt 37,5%/50%); khu vực đã được phân loại đô thị loại IV (chỉ chiếm 8,1%) không trùng khớp với khu vực dự kiến thành lập thị xã và tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với trung bình của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sa Pa là 44,34%, của tỉnh Lào Cai là 21,9%, trong khi quy định là đạt bình quân của tỉnh).

Mặc dù Sa Pa chưa đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định nhưng Chính phủ đề nghị áp dụng quy định “Trường hợp đặc biệt” tại Nghị quyết số 1211.


 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh Quochoi.vn



Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hiện nay chưa có văn bản nào xác định thế nào là “trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sa Pa thuộc trường hợp đặc biệt để áp dụng.

 Theo đó, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vì tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có nên có thể được thành lập thị xã trước khi đạt được những tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211.

Đối với tiêu chuẩn, tiêu chí còn thiếu là tỷ lệ % số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với trung bình của tỉnh, trong đề án, báo cáo của Chính phủ và tỉnh Lào Cai đã đề cập phương án khắc phục cụ thể. Riêng về tiêu chuẩn khu vực đã được phân loại đô thị (loại IV) không trùng khớp với khu vực dự kiến thành lập thị xã, Chính phủ đã lý giải do địa hình của Sa Pa có 449,72km2 diện tích đất rừng (chiếm 66% diện tích tự nhiên của toàn huyện).

“Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hãn hữu, đặc thù, đặc biệt nên đề nghị chỉ cho riêng Sa Pa được phép áp dụng quy định này. Đề nghị Chính phủ lưu ý trong quá trình xem xét, xây dựng các đề án khác về địa giới hành chính cần rà soát, quát triệt thật kỹ, tránh tạo tiền lệ cho việc vận dụng quy định này để đề nghị thành lập đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn”, ông Định nhấn mạnh.

Tại phiên họp 37, đa số các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc áp dụng trường hợp đặc biệt để thành lập thị xã Sa Pa.


 

Sau khi thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã này, Lào Cai không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có giảm 1 huyện và tăng 1 thị xã (từ 1 thành phố và 8 huyện thành 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện); giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã, 1 thị trấn và tăng 6 phường, giữ nguyên 26 xã, phường, thị trấn biên giới.


Vương Trần (LĐO)

Có thể bạn quan tâm