Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sắc màu Tây Nguyên trong tranh Hồ Thị Xuân Thu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 30 năm miệt mài sáng tác, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã rất thành công với dòng tranh sơn mài. Qua nét cọ của mình, nữ họa sĩ đã giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước về một Tây Nguyên đại ngàn, huyền ảo nhưng cũng đẹp dịu dàng, đầy chất thơ.
Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế thơ mộng, từ khi chọn mỹ thuật để theo đuổi, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu được học về những kiến thức mỹ thuật bài bản tại Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Sau khi tốt nghiệp (năm 1985), cô họa sĩ trẻ Hồ Thị Xuân Thu đã chọn cao nguyên Gia Lai đầy nắng gió để vẽ những bức tranh đầu tiên, rồi từng bước định hình phong cách nghệ thuật của riêng mình. Tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu luôn gắn liền với những chuyến đi về với buôn làng. Chị đi nhiều, quan sát và vẽ tranh bằng chính cảm xúc, sự trải nghiệm của bản thân.
Bắt đầu vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, thế nhưng Hồ Thị Xuân Thu lại sớm bén duyên với sơn mài, gắn liền với những ký họa ghi chép trên mọi nẻo đường. Có thể nói, chính dòng tranh sơn mài đã tạo cho nữ họa sĩ một phong cách nghệ thuật, giúp chị thể hiện hết sự cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp kỳ diệu của vùng đất đại ngàn. Nhiều người ví von rằng: “Hồ Thị Xuân Thu vẽ tranh sơn mài như viết nhật ký, suy nghĩ về cuộc đời, về tình yêu thiên nhiên; mỗi bức tranh là một câu chuyện gắn liền với cuộc sống, đánh thức những rung động sâu thẳm trong lòng người xem về mảng màu văn hóa Tây Nguyên”. Như mạch nguồn xuyên suốt, chủ đề Tây Nguyên trên chất liệu sơn mài truyền thống đã trở thành thế mạnh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh sơn mài trong nước và quốc tế; tranh của chị được trưng bày ở bảo tàng và được rất nhiều người yêu thích.
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại phòng tranh của mình. Ảnh: Hà Đức Thành
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại phòng tranh của mình. Ảnh: Hà Đức Thành
Dù đã nghỉ hưu nhưng họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu vẫn miệt mài sáng tác. Làm tranh sơn mài vất vả, nặng nhọc hơn tranh sơn dầu và nhiều thể loại khác nhưng chị vẫn quyết tâm gắn bó bằng một tình yêu trọn vẹn. Không chỉ vậy, nữ họa sĩ cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền lại kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ đàn em. Nhiều họa sĩ trẻ đã được chị chỉ dẫn những bước đi cơ bản của nghệ thuật tạo hình đến các quy trình kỹ thuật để tạo nên một tác phẩm sơn mài.   
Vốn gắn bó với chất liệu sơn dầu trong suốt một quãng thời gian dài, thế nhưng dưới sự truyền lửa của người thầy Hồ Thị Xuân Thu, giờ đây, họa sĩ Mai Thị Kim Uyên đã bước sang lĩnh vực tranh sơn mài. Người họa sĩ trẻ không ngừng nỗ lực để học tập, vận dụng những kỹ thuật tốt nhất do người thầy của mình trao truyền để sáng tạo ra những tác phẩm sơn mài có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; giữa hiện thực pha chút lãng mạn đưa đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Họa sĩ Mai Thị Kim Uyên chia sẻ: “Tôi được cô xem như người bạn, cô muốn chia sẻ, bồi đắp cho một học trò, rồi tâm sự về chuyện nghề, nói chung rất là thú vị. Tôi nghĩ đó là mối duyên và học ở cô rất nhiều”.
Trong kho tàng tranh đồ sộ của mình, “sắc màu Tây Nguyên” là chủ đề được họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu vẽ nhiều nhất. Đó là hình ảnh những lễ hội pơ thi, lễ cầu mưa, những đêm xoang Tây Nguyên hay những cô gái lấy nước dưới suối, gùi củi về làng khi mặt trời xuống núi... Tây Nguyên trong tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tuy mộc mạc nhưng huyền ảo; tác phẩm của chị không có vẻ hào nhoáng, không phô bày sự khéo tay nhưng người xem sẽ thấy những gam màu như ửng lên; những ai yêu thích phong cách sáng tác của chị sẽ cảm nhận được sự chất phác, giản dị mà người họa sĩ đã thể hiện trong từng tác phẩm. Những chuyển động trong đời sống văn hóa, tinh thần của xứ sở cao nguyên, từ bung biêng lễ hội đến dung dị sinh hoạt thường ngày đều tự nhiên đi vào tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Đặc biệt, vẻ đẹp của con người, nhất là người phụ nữ Bahnar, Jrai đã tạo cho họa sĩ những mạch nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ cạn.  
Họa sỹ Xuân Thu đang truyền dạy lại cho thế hệ đàn em. Ảnh: Hà Đức Thành
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ đàn em. Ảnh: Hà Đức Thành
Dưới ánh đèn soi tranh vàng mơ, những bức “Men rừng”, “Hồn núi”, “Đường về”, “Giã gạo”, “Giao cảm”, “Xuống núi”... gây ấn tượng cho người xem là chân dung thiếu nữ với đôi mắt tĩnh lặng như núi rừng; vời vợi, mênh mông như thảo nguyên bazan phóng khoáng. Những người phụ nữ nhảy múa say chuếnh choáng bên ché rượu cần hay chỉ một bông hoa chuối rừng buông mình bên suối vắng, nơi những thiếu nữ đang tắm-gợi lên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên hoang dại... Tất cả đã thể hiện sự điêu luyện và đẳng cấp của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu trong dòng tranh sơn mài. Nữ họa sĩ tâm sự: “Năm 2004, mình triển lãm tranh sơn mài lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh thì phòng tranh của mình được đón nhận nồng nhiệt. Thật ra thì đề tài của mình thiên về những người phụ nữ Tây Nguyên vì mỗi lần vào làng mình thấy rất cuốn hút. Họ rất có tính cộng đồng, thường khi nào mình thấy có một chú chó chạy qua thì tiếp sau đó sẽ là một đoàn người đi làm rẫy. Vào ngày thứ 3 của cuộc triển lãm, mình bán được 35 bức tranh, cũng được coi là một sự kiện gây chấn động với giới hội họa thành phố giai đoạn đó. Có thể do ban sơ của mình, chất Tây Nguyên của mình, nó lạ khi được đưa vào sơn mài”.
Với người họa sĩ, sáng tác là niềm vui, vẽ tranh là nơi thể hiện hết những cảm xúc, trăn trở của mình. Suốt hơn 30 năm lao động nghệ thuật, bằng tinh thần làm việc nghiêm túc, miệt mài sáng tác, hết lòng vì nghề, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã tạo ra rất nhiều tác phẩm giá trị, được công chúng đón nhận. Thời gian trôi đi, nhưng với họa sĩ này vẫn còn đó sự nhiệt huyết, vẫn sáng tác đều đặn; giữ lửa và truyền lửa đam mê nghề cho các thế hệ học trò.
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-cho biết: “Ngay tại không gian xưởng của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, mỗi lần ghé thăm, tôi lại thấy có những cái gì đó thay đổi. Thay đổi ở đây là nó tăng thêm nhiều bức tranh mới, nhiều tác phẩm mới hơn nữa. Gần như không nhìn thấy tuổi tác mà chỉ nhìn thấy ở chị sự năng động trong cái đam mê khó có một nữ họa sĩ nào có được. Chính vì sự đam mê cháy bỏng ấy, họa sĩ như một ngọn lửa lan tỏa đến những thế hệ trẻ, họa sĩ trẻ và góp phần cho sự lớn mạnh của chuyên ngành mỹ thuật, cũng như là của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh”.
Có quá trình hoạt động nghệ thuật lâu dài và gặt hái những thành quả đáng tự hào, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã tạo dấu ấn riêng bằng nhiều tác phẩm tràn đầy chất thơ, trữ tình và lãng mạn, qua đó chuyển tải thành công nét hoang mộc, có phần gồ ghề, huyền bí của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
Sự hài hòa, đơn giản nhưng tinh tế trong từng tác phẩm đã mang lại thành công cho người họa sĩ dành trọn tâm huyết với nghề. Lao động nghệ thuật miệt mài, tìm đến sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu xứng đáng nhận được tình cảm trân trọng của người yêu hội họa.
HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm