Kinh tế

Nông nghiệp

Sắc xuân nơi “rốn lũ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được xem là “rốn lũ” ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai, “xóm lò gạch” nằm trên địa phận 2 phường Đoàn Kết và Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) đang có sự đổi thay rõ rệt. Về lại nơi đây trong một ngày cận Tết Nguyên đán, tôi càng cảm nhận rõ hơn sắc xuân rực rỡ.

Những đôi bàn tay lam lũ, cần cù của bà con nông dân đã biến vùng đất ngập nước trở thành vựa hoa lớn, tạo thu nhập và cảnh quan tươi đẹp.

Thấp thỏm nỗi lo

Trở lại “xóm lò gạch” trong những ngày cuối năm, chúng tôi không thể hình dung cảnh biển nước năm nào từng “nuốt chửng” mọi thứ nơi đây. Tên gọi của xóm có lẽ bắt nguồn từ việc nơi này có hàng chục lò sản xuất gạch tồn tại trong nhiều năm qua.

Những ngày nước lũ đổ về, xóm được xem là “rốn lũ” bởi nằm ở khu vực ngã ba sông Ayun và sông Ba. Dòng nước của 2 con sông lớn hầu như nhấn chìm nhà cửa, cây cối.

Ông Lê Xuân Hạnh (tổ 5, phường Sông Bờ) chăm sóc hoa để bán vụ Tết. Ảnh: L.G

Ông Lê Xuân Hạnh (tổ 5, phường Sông Bờ) chăm sóc hoa để bán vụ Tết. Ảnh: L.G

Ông Lê Xuân Hạnh (tổ 5, phường Sông Bờ) kể: Mỗi khi thượng nguồn có mưa lớn, các công trình thủy lợi, thủy điện xả lũ thì xóm là nơi bị ngập đầu tiên. Cũng bởi vùng đất trũng, thường bị ngập lụt nên xóm chỉ lác đác vài hộ dân sinh sống, còn lại chủ yếu là đất canh tác hoa màu của bà con.

Làm nhà ở xóm bắt buộc phải xây nhà sàn cách mặt đất khoảng 3 m mới có thể yên tâm không bị nước lũ “đánh úp” bất cứ lúc nào.

“Phải gan lắm mới dám ở lại xóm này, bởi không khác gì đánh đu với hiểm nguy, nhưng không có đất thì đành chịu. Những người ở nơi khác nhưng làm lụng ở đây gặp khi mưa lớn làm ngập đường ngập sá, không kịp về, cả xóm bị cô lập. Lúc đó, chúng tôi chạy lên điểm cao sơ tán chờ nước rút, nếu không thì phải kêu cứu lực lượng cứu hộ”-ông Hạnh bộc bạch.

Ông Hạnh nhớ lần gần nhất là trận lụt cuối năm 2021 làm 14 người mắc kẹt. Con đường bê tông vào xóm ngập sâu gần 2 m, nước lũ lên đến ngọn cây mà chưa có dấu hiệu ngừng buộc người dân phải bỏ lại phân bón, vật dụng, gia cầm để lên thuyền cứu hộ.

Một số năm, dù không có mưa lớn song nơi đây vẫn chịu ảnh hưởng của dòng nước từ thượng lưu đổ về, nhất là khi chưa xây dựng bờ kè sông Ba.

Mỗi mùa nước lớn, nông dân trong vùng lại chịu nhiều thiệt hại, nhất là những hộ trồng hoa như gia đình ông Nguyễn Công Khánh (tổ 9, phường Đoàn Kết). “Cứ vài năm lại có một trận lũ lớn. Khi nước rút, chúng tôi lại phải hối hả dùng nước xịt bùn đất dính trên cây để cứu vớt phần nào. Cây nào ngả rạp đi thì coi như bỏ, không phục hồi được. Nước ngập mấy ngày thì kể như mất trắng, vì hoa bị thối rễ chết hết. Gặp trường hợp đó thì kể như mất Tết”-ông Khánh tâm sự.

Vựa hoa vùng Đông Nam tỉnh

Là “rốn lũ” song “xóm lò gạch” cũng được mẹ thiên nhiên ưu đãi vì nguồn phù sa bồi đắp làm cho đất đai màu mỡ. Khu vực này rộng khoảng 10 ha. Những lão nông trong vùng đã biến nơi đây trở thành vựa hoa lớn cung cấp cho các địa phương như: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện hoặc TP. Pleiku.

Người nông dân phải tỉ mỉ tỉa nụ hoa để có được những bông hoa to đẹp nhất. Ảnh: Văn Ngọc

Người nông dân phải tỉ mỉ tỉa nụ hoa để có được những bông hoa to đẹp nhất. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Hạnh là một trong những người đầu tiên trồng hoa ở xóm với thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề. Ông Hạnh kể: Đất đai nơi đây màu mỡ, nước tưới cũng thuận lợi. Đất tốt, sẵn nước, ông thử trồng hoa vì thấy nhu cầu của người dân lớn nhưng khan hiếm nguồn cung. Thành công khiến gia đình ông gắn bó với nghề trồng hoa từ đó.

Với mảnh đất bãi bồi trù phú ven sông, các giống hoa được gia đình ông nhập từ Đà Lạt về đều phát triển tươi tốt như cúc pha lê, cúc bi, lay ơn... Theo ông Hạnh, Ayun Pa có thể trồng hoa quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như ở những nơi khác.

Đặc biệt, hoa “made in Ayun Pa” lại đạt chuẩn hơn cả hoa nhập bởi bông to, nụ nhiều, vẻ đẹp tươi tắn tự nhiên, hương thơm đặc trưng. Các loại hoa nhập thường được lưu trữ đông lạnh trong nhiều ngày nên khi trưng ra nhanh bị héo. Hiện tại, gần 1 ha hoa Tết của ông Hạnh đã hé nở, sẵn sàng khoe sắc trong dịp Tết năm nay.

“Trồng hoa vất vả lắm nên nhiều người bỏ nghề mà chuyển sang cây trồng khác. Chưa kể lũ lụt thì phải tính đến thời tiết ảnh hưởng ra sao, vì hoa nở đúng vụ mới có giá. Nhất là hoa lay ơn, thường sử dụng trong ngày Tết, giá cả khá bấp bênh. Thế nhưng, chúng tôi cố gắng giữ lấy nghề. Làm giàu thì chưa nhưng nhờ trồng hoa mà vợ chồng tôi chăm lo cho 3 con ăn học. Giờ tụi nó lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cả rồi”-ông Hạnh tâm sự.

Bà Ksor H'Khuyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa: “Xóm lò gạch” thường là nơi gánh chịu đầu tiên khi nước lũ đổ về. Không ít lần lực lượng chức năng vào giải cứu người dân bị mắc kẹt do mưa lũ. Mỗi lần như vậy, thiệt hại hoa màu, cây cối rất lớn. Nhưng người dân trong vùng kiên trì bám trụ để duy trì nghề trồng hoa nhiều năm nay. Bây giờ, nơi này đã trở thành điểm check-in của nhiều du khách, góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho người dân và thúc đẩy du lịch phát triển. Vừa qua, UBND thị xã đã đầu tư làm con đường bê tông dẫn từ đường Trường Sơn Đông đến khu vực tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Với gia đình ông Khánh, vườn hoa gần 1 ha cũng đã giúp trang trải cuộc sống, lo việc học hành cho con cái.

Ông Khánh chia sẻ: “Trồng hoa tốn rất nhiều công nên gia đình tôi thường phải thuê thêm người. Đã làm nghề trồng hoa thì hầu như không có Tết bởi càng Tết càng tất bật.

Năm nào cũng đến tận tối 30 Tết mới rảnh một chút làm mâm cơm cuối năm, sang chiều mùng 1 lại đi tưới nước, cắt hoa bán dịp đầu năm”.

Những ngày giáp Tết, các loài hoa sặc sỡ sắc màu dưới ánh nắng vàng tươi đã thu hút nhiều người đến thưởng ngoạn, chụp ảnh check-in.

Không những người dân tại thị xã Ayun Pa mà nhiều du khách từ Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa… cũng tranh thủ “lên đồ” để giữ lại kỷ niệm mùa xuân với cánh đồng hoa.

Chị Nguyễn Thùy Linh (huyện Ia Pa) hồ hởi: “Chị em chúng tôi mê hoa nên đã chuẩn bị áo dài để đến đây chụp ảnh, ngắm hoa, cảm nhận không khí Tết”.

Có thể bạn quan tâm