Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sân chơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Một sân chơi mang đậm dấu ấn văn hóa và tinh thần sống khỏe, sống đẹp vừa được huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022). Đây còn là dịp để các nghệ nhân, vận động viên có dịp giao lưu văn hóa-thể thao truyền thống, cùng gìn giữ và phát huy những giá trị đặc biệt của di sản văn hóa. 
Diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-4 tại nhà văn hóa và sân vận động huyện, hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa năm 2022 thu hút sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và vận động viên đến từ 11 xã. Ở phần thi văn hóa, các nghệ nhân tham gia các nội dung gồm: biểu diễn trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng và ẩm thực. Ở phần thi thể thao, các vận động viên tham gia thi đấu các môn truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa như: đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co.
Phần thi đẩy gậy gay cấn. Ảnh: Minh Châu
Phần thi đẩy gậy tại hội thi khá gay cấn, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả. Ảnh: Minh Châu
Hội thi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các bài biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, quê hương đổi mới với âm hưởng của ngày vui thống nhất. Những trang phục đẹp nhất cùng những tinh túy trong ẩm thực truyền thống cũng được các đoàn nghệ nhân mang trình diễn tại hội thi với tình yêu và niềm tự hào sâu đậm dành cho các giá trị văn hóa dân tộc. Phần thi thu hút nhiều nghệ nhân tham gia nhất là trình diễn cồng chiêng, đi kèm các nghi lễ xuống giống, lễ bỏ mả, đón mưa mới… Các điệu xoang và những điệu nhảy cổ mô phỏng đời sống của chim muông được các nữ nghệ nhân trình diễn như một sự cộng hưởng mang đầy dư âm cho không gian hội hè. Đặc biệt, để tăng sức hấp dẫn cho nội dung tiết mục, các nghệ nhân còn dựng thêm mô hình phụ họa, tái hiện đậm nét không gian cổ truyền của lễ hội. 
Phần trình diễn cồng chiêng của xã Ia Rmok. Ảnh: Minh Châu
Phần trình diễn cồng chiêng của xã Ia Rmok. Ảnh: Minh Châu
Là nghệ nhân nhiều năm liên tục tham gia hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (85 tuổi, buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) cùng với các nghệ nhân của xã tham gia loại hình diễn xướng cồng chiêng với tiết mục phục dựng “Lễ xuống giống” của đồng bào Jrai. Như nhiều lần trước đây, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung là người chủ lễ thực hiện các nghi thức truyền thống này. Ngay sau nghi lễ của đoàn nghệ nhân xã Ia Rmok, trời đã mang mưa tới khiến mọi người đều rất hân hoan. Đó là một báo hiệu cho mùa vụ bội thu, cây cối tốt tươi, mùa màng no ấm.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho xã Ia Rmok, giải nhì xã Phú Cần, giải ba xã Uar và xã Chư Gu đạt giải khuyến khích.​ Ban tổ chức cũng trao nhiều giải thưởng cá nhân và tập thể khác ở các nội dung thi.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung còn tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng cây đàn goong do ông chế tác. Trong ngày vui thống nhất đất nước, điệu goong của nghệ nhân lại bồi hồi nhớ về những năm 1954 khi đất nước đang chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp, có những người con Jrai lầm đường lạc lối làm tay sai cho thực dân, trong đó có chàng trai Y Soach. Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung nói về nội dung bài đàn goong: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã kêu gọi những người làm tay sai cho giặc trở về với buôn làng, về với ngôi nhà yêu dấu, lao động sản xuất để trở thành người cho ích cho đất nước. Những lời kêu gọi tha thiết, nồng ấm ấy đã giúp Y Soach tỉnh ngộ, quay trở về, cùng nhau xây dựng buôn làng, đánh đuổi quân xâm lược”.

Nghệ nhân cho biết thêm, đàn goong có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người Jrai. Đó vừa là phương tiện để tự tình, vừa thay tiếng lòng thể hiện tình cảm với người thân, gia đình, với buôn làng. Cây đàn chỉ làm từ chất liệu tự nhiên đơn sơ ấy nhưng chuyển tải kho tàng âm nhạc độc đáo của người Jrai một cách giản dị, tự nhiên. “Đó là kho báu về văn hóa dân tộc mà ông bà để lại, là những lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín không dễ giãi bày nhưng mang tính giáo dục cao. Hiện Đảng và nhà nước dành rất nhiều quan tâm cho công tác bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mình cố gắng để sưu tầm các bài hát của người Jrai có thể chơi với đàn goong và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ”-Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung chia sẻ. 

Là lớp trẻ kế thừa di sản cha ông, chị Kpă H’Nhoat (buôn Mlah, xã Phú Cần) nhiều năm tích cực tham gia hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số toàn huyện. Không chỉ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chị H’Nhoat còn hiểu được vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chị chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 mình tham gia hội thi, cảm xúc rất vui và hồi hộp nhưng cũng vô cùng tự hào vì người Jai còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vô cùng độc đáo, đặc biệt là những lễ hội cổ truyền”. 
Tái hiện Lễ xuống giống-nghi lễ nông nghiệp đặc thù của cư dân Jrai. Ảnh: Minh Châu
Tái hiện lễ xuống giống-nghi lễ nông nghiệp đặc thù của cư dân Jrai. Ảnh: Minh Châu
Mặc dù hội thi diễn ra đúng vào thời điểm bà con đang bận rộn với mùa màng, gieo trồng nhưng các nghệ nhân, vận động viên đã sắp xếp công việc để có những ngày vui trọn vẹn. Ông Kpă Pual-thành viên Ban giám khảo hội thi-đánh giá: “Ở nhiều nội dung thi, các đội đều có sự đầu tư, chuẩn bị khá tốt, nhất là phần thi biểu diễn trang phục dân tộc. Hầu hết các đội đều giữ được nguyên bản trang phục truyền thống Jrai, phối hợp giữa trang phục và các phụ kiện để trình diễn. Có một số đội cách điệu theo yếu tố hiện đại nhưng về cơ bản, vẫn giữ được cái hồn của trang phục truyền thống. Chỉ nhìn vào trang phục mà các đoàn mang đến lễ hội cũng thấy được họ đã và đang gìn giữ rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại”.
Ẩm thực truyền thống đặc sắc. Ảnh: Minh Châu
Ở phần thi văn hóa, các đội thi mang đến những món ăn truyền thống đặc sắc. Ảnh: Minh Châu
Qua hội thi, những chủ nhân của di sản càng ý thức cao những giá trị văn hóa mà cộng đồng được thừa hưởng từ quá khứ. Chính họ đã góp phần quảng bá những phong tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống ấy một cách đầy thuyết phục. Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm-Văn hóa-Thể thao huyện Krông Pa-cho biết: “Hội thi được tổ chức hàng năm, trở thành sân chơi truyền thống, là ngày hội đối với đồng bào các dân tộc trong huyện. Qua hội thi, những người làm công tác văn hóa sẽ hiểu hơn về đời sống của di sản đã và đang được cộng đồng gìn giữ và phát huy như thế nào để có định hướng đúng đắn trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”.
MINH CHÂU - NGÔ THU

Có thể bạn quan tâm