Không phải bỏ công trồng trọt, chăn nuôi, nhưng nhiều người dân Quảng Trị vẫn có “bát cơm đầy” khi theo sát thời gian trời... phát lộc. Những cuộc “đi săn lộc” không phải lúc nào cũng nhàn hạ, nhưng làm chơi ăn thật.
Đôi khi chỉ cần nhặt món vừa đội đất chui lên, nhiều người đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Đó là nấm mối, loại nấm thường mọc vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi tiết trời ẩm ướt.
Say nấm |
Khoảng 3 giờ, người trong thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, H.Triệu Phong (Quảng Trị) lục tục dậy đi hái nấm. Chị Dương Bông, 30 tuổi, một tay săn nấm mối cự phách ở xã Triệu Ái, luôn có mặt trong “biệt đội” săn nấm suốt cả chục năm qua. Riêng năm nay chị gần đến kỳ sinh nở, đành ngồi nhà nhìn cảnh người trong thôn lục tục kéo lên rừng mà tiếc…
Nơi chị đang sống là vùng bán sơn địa, nên chắc ông trời thương dân nghèo, hằng năm ban cho mùa nấm mối trong 1 - 2 tháng. Họ đi thành từng nhóm, mò mẫm trong đêm tối, vào những khu rừng sục sạo đến khi nào rạng ngày thì về… Nếu khoảnh rừng gần đã hết nấm, nhiều người gan dạ còn đạp sình lầy, trèo lên những ngọn đồi xa để tìm cho được.
Với kinh nghiệm nhiều năm đội đèn tìm nấm mối, chị Bông biết rõ nấm mối thường nấp mình trong những đám lá mục dưới gốc cây và mọc thành từng đám. “Hiếm khi chỉ có cây nấm mối đứng một mình, nên hễ thấy một cây là hãy nhìn quanh vài ba mét vuông, kiểu gì cũng thấy… Người nào thính nhạy thì có thể ngửi được mùi, vì nấm cũng có gì đó tanh nồng”, chị nói.
Nếu may mắn, chỉ đi quanh vườn tiêu vẫn có thể kiếm được dăm cân nấm mối |
Từ đầu tháng 11, anh Trần Văn Thiên, trú xã Cam Chính (H.Cam Lộ), vùng bán sơn địa - cũng được ví là thủ phủ nấm mối ở Quảng Trị, bắt đầu những đêm rọi đèn đi dọc bờ rào, từng hàng cây, lật từng tảng mùn lá ẩm ướt để tìm nấm mối.
“Cảm giác mò mẫm, đi bộ đến rạc chân rồi tìm thấy lùm nấm mối trong bụi cây nó sướng chi lạ. Những búp nấm trắng ngần, “đội nón” đứng chen nhau trong đám mùn lá, bốc mùi hoang hoải, thấy nó dễ thương đến mức nhón tay hái cũng thấy tiếc”, anh Thiên nói.
Nhưng nghề săn nấm cũng đầy may rủi, hên xui. Có người sục cả khoảng đồi không kiếm được một cọng, có người chỉ bước chân ra vườn nhà cũng mót được vài cân. Chẳng ai biết chắc nấm mối đang mọc ở đâu, có chăng bằng kinh nghiệm của những mùa trước hoặc thử tìm đến chỗ cũ xem sao. Được chăng hay chớ.
Cũng vì tính hên xui như vậy nên anh Thiên bảo những người đi săn nấm mối thường rơi vào trạng thái “say”. “Quá sướng với việc gặp những lùm nấm búp, nhiều người hái không biết mỏi mệt, mặc cho muỗi đốt, cành cây làm xước da thịt. Cũng có người ban đầu đi theo nhóm, nhưng bị những cây nấm “dẫn đường”, cắm cúi hái say sưa, đến khi ngẩng đầu lên mới biết… bị lạc, chỉ còn một mình giữa đêm tối trong rừng sâu, phải gọi người đến cứu”, anh kể.
Những người sành hái nấm mối ở Quảng Trị bật mí với tôi rằng cứ sau vài ngày hanh rồi mưa, trời trở gió mùa là “dân chuyên” lẳng lặng chuẩn bị đồ nghề. Thời điểm lý tưởng để đi tìm nấm mối là lúc rạng sáng. Vòng đời của những cây nấm mối khá ngắn ngủi, nẻ lên từ mùn đất từ khuya về sáng, qua trưa chiều có thể đã bung búp. Nếu không có tay người ngắt, nấm mối trở thành bữa ăn ngon của các loại côn trùng, động vật khác hoặc tàn lụi. Có lẽ vậy mà người hái nấm luôn phải chạy đua với thời gian, bởi nấm dạng búp có giá bán cao gấp rưỡi khi nấm đã bung dù. Họ thậm chí chạy đua với đám côn trùng, vì nấm mối vốn dĩ là món khoái khẩu của chúng.
Tất nhiên, cũng phải “đua” với đồng đội đang đội đèn tìm nấm.
Quảng Trị đang vào mùa hái nấm mối |
“Không tìm được ngôn ngữ để diễn đạt”
Đua tranh và đôi khi gặp rủi ro, nhưng hành trình hái nấm mối không phải lúc nào cũng quá nặng nề, bởi nhiều người nếu trúng lộc thì bán nấm bỏ túi tiền triệu như chơi, kém may mắn hơn thì cũng giữ lại, có bữa ăn ngon. Nếu không kiếm được cọng nào, cũng cười cười coi như đi… tập thể dục buổi sáng.
Nhờ hương vị tuyệt vời, mỗi ký nấm này đắt gấp vài lần so với thịt heo, thịt gà. Vừa ngon vừa hiếm, vì chúng chỉ mọc vào khoảng thời gian nhất định trong năm, rơi vào tháng 10 - 11 âm lịch, sau đó tìm đỏ mắt cũng không thấy. Vậy nên, khi nấm mối vào mùa, người ta đi hàng đoàn, sục sạo ở nhiều khoảnh đất, mảnh vườn, khu rừng…
Khác với nấm tràm mọc tự nhiên ở Quảng Trị giá chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, nấm mối ở một đẳng cấp khác, xa xỉ hơn. Vì thế, nhiều người Quảng Trị thường trêu nhau rằng chỉ có 2 hạng thực khách có thể ăn được nấm mối là người có nhiều tiền và… người đi hái nấm.
Loạn giá nấm mối Mức giá nấm mối ở Quảng Trị vừa đề cập tầm 150.000 - 250.000 đồng/kg, tùy thời điểm, nhưng dần đi vào thị trường phía nam, mức giá càng sốt. Ở TP.Huế, khách dễ dàng bỏ ra 300.000 đồng để mua 1 kg nấm mối. Vào đến TP.Đà Nẵng, giá đã nhích lên 400.000 - 500.000 đồng/kg. PV Thanh Niên từng có dịp thưởng thức món nấm mối ở một nhà hàng ở tỉnh Bình Dương, có giá 600.000 đồng/kg. Nhưng vì đặc tính hàng tươi, khó trữ được lâu, vận chuyển xa có thể có giá cao nhưng món hàng cũng chóng hỏng, nguy cơ mất luôn cả vốn lẫn lời. |
Ngay đầu mùa, khi những búp nấm mối đầu tiên xuất hiện lác đác ở các phiên chợ tại Quảng Trị, người bán hàng đã niêm yết giá 150.000 đồng/kg và không ngó lơ trước những lời kỳ kèo trả giá. Khi vào mùa, dù có nhiều người bán hơn nhưng giá nấm mối vẫn không giảm. Có chăng, lượng nấm nhiều hơn thì người mua sẽ lựa chọn nấm búp lẫn trong nấm bung dù, sẵn sàng trả tiền nhiều hơn. Nấm mối búp ở Quảng Trị dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Thế nhưng, cảnh người ta tranh nhau rổ nấm mối vẫn xảy như cơm bữa ở các chợ. Các “đại gia” trót nghiện loại nấm này hễ thấy có bao nhiêu hàng là mua bấy nhiêu.
Với hương vị ngọt lành, lại có giá trị dinh dưỡng cao, nấm mối là món khoái khẩu của nhiều người. Chỉ cần cắt chân nấm, gọt sơ, rửa sạch…, người nội trợ đã có thể cho vào nồi chế biến thành nhiều món khác nhau. Ở Quảng Trị, người ta có thể làm nấm mối xào, nướng hay nấu cháo bột lọc. Nấm mối cũng dễ dàng kết hợp với thịt heo, thịt dê để làm món kho, hầm…
Món ăn được chế biến từ nấm mối, trông rất hấp dẫn. Ảnh: Thanh Lộc |
“Có người nói ăn nấm mối ngon như thịt gà. Tôi nghĩ do họ không tìm được ngôn ngữ để diễn đạt thôi. Chứ nếu nấm mối chỉ ngon như thịt gà thì họ… mua gà ăn cho rồi, cớ sao lại phải bỏ số tiền gấp đôi, gấp ba để mua nấm mối?”, chị Nguyễn Thị Dung (P.5, TP.Đông Hà), người tự nhận là dân nghiện nấm mối, phân tích.
Có cầu ắt có cung. Nỗi thèm thuồng nấm mối ấy thôi thúc người hái đổ vào rừng sục sạo với những cuộc “làm chơi, ăn thiệt”. Nói như dân nhà quê, mới mở mắt, sáng trời đã có tiền triệu!
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Phúc (TNO)