Kinh tế

Giá cả thị trường

Sản phẩm OCOP vẫn khó tìm thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) chưa được triển khai nên phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP.

 

Gặp khó trong phát triển thị trường

Từ đầu năm đến nay, do không được tham gia các chương trình XTTM nên Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) gặp khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty-cho hay: “Với một doanh nghiệp mới, chưa kết nối được với thị trường tiêu thụ thì việc tham gia các hội chợ triển lãm sẽ mang đến cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm một cách thuận tiện và trực tiếp nhất đến khách hàng. Đặc biệt, tham gia hội chợ triển lãm cũng sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác để thiết lập kênh phân phối”.  Cũng theo ông Tuân, trước khó khăn này, Công ty phải “tự bơi”, liên kết với một số cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh để phân phối 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao là tinh bột nghệ đỏ AGILA và viên tinh bột nghệ đỏ AGILA qua hệ thống các nhà thuốc An Khang và Phano.

 Lễ hội nông sản địa phương góp phần quảng bá và tăng tính kết nối trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: V.T
Lễ hội nông sản địa phương góp phần quảng bá và tăng tính kết nối trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: V.T



Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ sở sản xuất cũng gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng. Ông Phan Văn Định (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cho hay: “Cơ sở có sản phẩm đông trùng hạ thảo Trung Phúc đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thời gian qua, việc tiêu thụ mặt hàng này chủ yếu thông qua các kênh phân phối được thiết lập từ trước. Còn từ đầu năm đến nay, nguồn khách hàng mới gần như chưa có”.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, việc tìm kiếm thị trường mới nếu không được sự hỗ trợ từ chính quyền và các ngành chức năng thì sẽ rất khó khăn. Do đó, họ rất mong muốn được hỗ trợ XTTM để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Cũng qua XTTM, người tiêu dùng biết được sản phẩm nào đang có trên thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả ra sao, của những nhà sản xuất nào để có sự so sánh với những sản phẩm cùng loại. Từ đó, góp phần kích thích nhu cầu của người mua, giúp việc bán hàng được thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

Trong 1 năm qua, các ngành chức năng đã triển khai hỗ trợ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP xây dựng thương hiệu, XTTM đến một số tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi, mà nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường. Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Mọi năm, thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 5, hoạt động XTTM được tổ chức khá nhiều, từ các chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt về nông thôn, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ đặc sản vùng miền, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh… Song, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động này phải dừng hoàn toàn. Do các doanh nghiệp, hợp tác xã không tham gia những hoạt động XTTM nên vấn đề tìm kiếm đối tác tiêu thụ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Lễ hội nông sản địa phương góp phần quảng bá và tăng tính kết nối trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Vũ Thảo
Lễ hội nông sản địa phương góp phần quảng bá và tăng tính kết nối trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Vũ Thảo



Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thông qua các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, lễ hội nông sản địa phương… các chủ thể của sản phẩm OCOP sẽ có cơ hội kết nối với hệ thống bán lẻ, xây dựng kênh phân phối rộng rãi, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 mà hoạt động XTTM phải lùi thời gian thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng đang đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ như kết nối đưa hàng vào chuỗi cung ứng tại địa phương. “Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy khách hàng rất quan tâm đến sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhưng lại không tìm được điểm bán hàng trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhau để chọn ra khoảng 10 sản phẩm OCOP. Sau đó, Hiệp hội hỗ trợ 1 gian hàng bày bán tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku nhằm quảng bá, giới thiệu trực tiếp đến khách hàng. Việc này nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương”-ông Tuấn thông tin.

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm