Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Sẵn sàng hàng dự trữ quốc gia ứng phó với bão số 1 Talim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan khí tượng nhận, định trọng tâm mưa lớn do bão số 1 Talim là ngày và đêm 18.7. Những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Mưa lớn do bão số 1 Talim có thể gây ngập úng khu đô thị. Ảnh: Phạm Đông.
Mưa lớn do bão số 1 Talim có thể gây ngập úng khu đô thị. Ảnh: Phạm Đông.

Sẵn sàng hàng dự trữ quốc gia ứng phó với bão số 1 Talim

Tối ngày 17.7, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có công điện gửi các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 1 Talim.

Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của cơn bão để kịp thời có biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của bão, mưa lũ gây ra.

Bên cạnh đó, Công điện cũng yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tăng cường công tác kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia; triển khai các biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia; đồng thời có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có kho, hàng, trụ sở cơ quan dự trữ để sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại đơn vị.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ quốc gia để tổ chức xuất cấp kịp thời hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, Công điện cũng yêu cầu Cục trưởng các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nêu trên khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo về Tổng cục những vấn đề vướng mắc trong quá triển triển khai để theo dõi, chỉ đạo.

Ảnh hưởng bão số 1, Kiên Giang cho tạm dừng các dịch vụ thể thao dưới nước

Trước điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng bão số 1, Sở Du lịch Kiên Giang yêu cầu các đơn vị bố trí đội ngũ nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối; có biển cảnh báo, tạm dừng hoạt động các dịch vụ thể thao dưới nước.

Ngày 17.7, Sở Du lịch Kiên Giang đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phổ biến Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với bão số 1 đến các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch có biện pháp ứng phó với tình hình mưa bão gây ra.

Các đơn vị kinh doanh du lịch thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, nắm bắt thông tin, chủ động đề ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Các đơn vị có bãi tắm phải bố trí đội ngũ nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối; có biển cảnh báo các vị trí mất an toàn, tạm dừng hoạt động các dịch vụ thể thao dưới nước trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, mưa xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh; mưa vừa, mưa to phổ biến ở huyện Giang Thành, TP Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, TP Rạch Giá và Tân Hiệp. Gió Tây cấp 4, cấp 5 giật cấp 6-7 trong mưa dông.

Vùng biển Rạch Giá - Phú Quốc và Nam Du có mưa rào và rải rác có dông, gió Tây mạnh cấp 5, cấp 6 giật cấp 7-8, sóng cao 1,75-3m, biển động.

Gió Tây Nam mạnh duy trì ở các vùng biển Kiên Giang, cảnh báo có mưa dông kèm các hiện tượng lốc, sét, gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và đô thị.

Bão số 1 là cơn bão mạnh

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định bão số 1 là cơn bão mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ trong vài năm gần đây. Ngoài gió mạnh bão số 1 cũng sẽ gây ra một đợt mưa lớn kéo dài ở khu vực Bắc Bộ.

Khu vực Đông Bắc, Việt Bắc từ đêm 17.7 đến ngày 19.7, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 250mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 - 150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ chiều tối ngày 17 - 19.7 có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cơ quan khí tượng nhận định khả năng trọng tâm mưa lớn ở những khu vực trên là ngày và đêm 18.7.

Từ đêm 19.7 đến ngày 21.7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 80mm, cục bộ có nơi trên 120mm.

Về tác động của mưa lớn, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

"Lũ quét và sạt lở đất vẫn là nguy hiểm chính do mưa bão số 1 cũng như các đợt mưa lớn thời gian tới, trong đó các tỉnh vùng núi phía bắc cần đặc biệt chú ý trong cơn bão số 1 này. Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp vừa qua khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18.7 ở khu vực Bắc Bộ" - ông Hưởng phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, những khu vực có nguy cơ cao nhất tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Điện Biên, Lai Châu chỉ đạo khẩn trương ứng phó bão

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với cơn bão số 1, 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã chỉ đạo triển khai các phương án để bị động, bất ngờ.

Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Lai Châu, hiện nay đang là cao điểm mùa mưa, thời tiết có diễn biến phức tạp, khó lường.

Cụ thể, thời gian qua một số nơi đã xảy ra mưa to, rất to như tại xã Ka Lăng, Thu Lũm (huyện Mường Tè), xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) và xã Khoen On (huyện Than Uyên)…

Do vậy, để ứng phó với cơn bão số 1, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xác định trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của tỉnh.

Chủ động có phương án, báo cáo kịp thời khi có diễn biến tình hình mới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 1 gây ra.

Còn tại tỉnh Điện Biên, trước diễn biến của bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân các biện pháp ứng phó thiên tai.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, trong 2 ngày (19 - 20.7), Điện Biên sẽ có mưa rải rác, cục bộ, mưa vừa và mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 120mm. Trong mưa giông đề phòng xảy ra lốc và gió giật mạnh.

Sân bay Tân Sơn Nhất triển khai biện pháp ứng phó ảnh hưởng của bão số 1

TP Hồ Chí Minh - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết sẽ thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin, tình hình thời tiết, thiên tai, dự báo, cảnh báo để chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh với những diễn biến bất thường của thời tiết, sẵn sàng khi có tình huống khẩn nguy xảy ra.

Nhằm chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác trong mùa mưa bão năm 2023, đặc biệt là cơn bão số 1 Talim đang đổ bộ vào Việt Nam, sáng nay 17.7, Ban Phòng chống Thiên tai (PCTT) & tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Cảng HKQT Tân Sơn Nhất do Phó Giám đốc, Trưởng Ban PCTT&TKCN Nguyễn Công Hoàn dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại Cảng.

Theo đó, đoàn đã kiểm tra toàn bộ khu vực thoát nước của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất qua nhà ga T3 và hàng rào nhà ga T3 giáp sân đỗ máy bay. Đồng thời, kiểm tra toàn bộ công tác sẵn sàng ứng phó chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất như nạo vét mương, bơm chống ngập, công tác tác bảo trì bơm và công tác ứng phó trước ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1 tại cảng.

Trong quá trình kiểm tra, Trưởng Ban PCTT&TKCN đã chỉ đạo tới các đơn vị lưu ý công tác gia cố hàng rào che trong khu vực thi công nhà ga T3, bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng khai thác khi mưa to gió lốc.

Các phương tiện, trang thiết bị PCTT&TKCN đang được lưu giữ tại đơn vị và trong kho cũng được kiểm tra và rà soát, sẵn sàng sử dụng để ứng phó với thiên tai lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm Khí tượng hàng không, Tổng Công ty quản lí bay Việt Nam thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin, tình hình thời tiết, thiên tai, dự báo, cảnh báo đến các đơn vị tham gia hoạt động tại Cảng để chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh với những diễn biến bất thường của thời tiết, sẵn sàng khi có tình huống khẩn nguy xảy ra.

Có thể bạn quan tâm