Kinh tế

Nông nghiệp

Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm giúp nông dân tiếp cận phương pháp sản xuất cà phê bền vững có giấy chứng nhận đạt chuẩn, năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án Khuyến nông Trung ương, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 25 ha tại 2 xã: Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) và Ia Yok (huyện Ia Grai). Đến nay, mô hình tiếp tục thực hiện tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) cũng với diện tích 25 ha của 50 hộ trồng cà phê, mỗi hộ khoảng 0,5 ha.

Trong quá trình thực hiện, người trồng cà phê được hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, sử dụng vật tư theo đúng quy trình sản xuất; có sổ ghi chép nhật ký nông hộ, nhất là hoạch toán một cách chính xác những chi phí đã đầu tư sản xuất…
 

 Một mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: N.D
Một mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: N.D

Ông Mai Văn Thiệt (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cho biết: Gia đình tôi trồng cà phê từ năm 1994. Trước đây, do giống cà phê không được chuẩn nên năng suất không ổn định. Năm nay, gia đình tôi đăng ký tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Sản phẩm làm ra được thu mua cao hơn thị trường 300 đồng/kg nhân. Còn ông Võ Tấn Đức (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cho biết: Tôi đăng ký sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C vì đây là phương thức sản xuất mới mang lại hiệu quả về nhiều mặt, như ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc diệt cỏ…

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: thay đổi nhận thức của người trồng cà phê; chi phí đầu vào thấp hơn nhưng năng suất đạt cao và ổn định; ít ảnh hưởng đến sức khỏe của những người lao động trực tiếp. Ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 ngàn ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Mô hình không chỉ mang lại năng suất cao so với những vườn đối chứng mà chi phí đầu tư cũng giảm, sản phẩm làm ra được bao tiêu cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg cà phê nhân… Đặc biệt, nông dân đã biết sản xuất cà phê có chứng nhận cam kết với người tiêu dùng về chất lượng. Đây là điều rất quan trọng để bảo vệ môi trường.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ cà phê đòi hỏi sản xuất cà phê phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận, nhất là không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, việc xây dựng và chuyển giao những mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C để người dân tiếp cận là điều rất đáng khích lệ.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm