(GLO)- Tôi vừa được mời dự buổi tiệc liên hoan tại một phòng khám đa khoa. Phòng khám do anh H.-một người bạn lớn tuổi của tôi-làm chủ tịch hội đồng thành viên. Bên cạnh anh còn có một số bác sĩ nổi tiếng trong thành phố hùn vốn, trực tiếp làm nhiệm vụ khám và điều trị. Xin được nói thêm đôi điều về người bạn vong niên này. Anh H. là một doanh nhân rất thành đạt, trong tay có một trang trại trồng cà phê, cây ăn quả, một xí nghiệp sửa chữa ô tô với hàng chục thợ và chuỗi nhà hàng sang trọng. Cách đây 4 năm, anh mở thêm phòng khám đa khoa này nữa. Ấy là những tài sản tôi “mắt thấy tai nghe” chứ anh còn đâu nữa thì tôi chịu!
Tại buổi tiệc, nghe tôi trầm trồ về năng lực kinh doanh của anh, anh H. cười cho biết, cỡ anh chỉ là “tép riu” so với các đại gia khác trong thành phố. Anh bảo, họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh địa ốc và thậm chí còn đầu tư ra nước ngoài.
Tại tỉnh ta, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trường hợp tiêu biểu thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh đa ngành (ảnh: internet) |
Thực ra, đây không phải là chuyện mới bởi cách đây vài ba thập kỷ, khá nhiều doanh nghiệp và cả hộ tư nhân đã thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh đa ngành và thu được nhiều thành công. Tại tỉnh ta, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trường hợp tiêu biểu. Ngày đầu thành lập, Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một xí nghiệp nhỏ chuyên chế biến gỗ xẻ tại phường Trà Bá (TP. Pleiku). Thế nhưng, sau đó vài năm, doanh nghiệp này đã mở rộng nhà xưởng và đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như trồng cao su, chế biến gỗ và hàng gỗ nội thất xuất khẩu, rồi nhảy sang kinh doanh địa ốc. Đến nay, Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành một tập đoàn sản xuất, kinh doanh đa ngành bao gồm: trồng cây công nghiệp dài ngày, địa ốc, chế biến gỗ, thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng, thể thao… Địa bàn hoạt động của tập đoàn không chỉ ở các tỉnh Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa… mà còn mở rộng sang Lào, Campuchia, Myanmar.
Không chỉ các tập đoàn kinh tế lớn có xu hướng sản xuất, kinh doanh đa ngành mà ngay cả các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ cũng biết đầu tư theo hướng này sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Trước kia, các chủ vườn, chủ trang trại chỉ quảng canh, trồng một loại cây. Thế nhưng, gần đây, họ đã trồng xen trên đất vườn kết hợp với chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản. Mùa nào thức ấy, nếu thứ này cầm giá hoặc xuống giá thì đã có thứ khác kéo lại. Một số hộ kinh doanh cũng mua bán nhiều mặt hàng khác nhau chứ không chỉ chuyên một loại hàng.
Không thể không công nhận rằng, nếu sản xuất, kinh doanh một mặt hàng thì cơ sở rất am hiểu về ngành hàng ấy. Nhưng cũng không thể nhận xét rằng, sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng thì họ không nắm chắc sản phẩm của mình. Nếu không sản xuất, kinh doanh đa ngành thì nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng có mối liên kết chặt chẽ với các cơ sở khác để cùng hoàn thành một công trình.
Ở một tỉnh miền núi đang phát triển như Gia Lai, không thể phủ nhận hiệu quả sản xuất, kinh doanh đa ngành mang lại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, muốn hoạt động hiệu quả thì năng lực cốt lõi của doanh nghiệp vẫn là then chốt. Vì vậy, doanh nghiệp phải có sự đầu tư về kế hoạch, nhận định về tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đồng thời phải xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Có như vậy mới phát huy được tổng lực của sản xuất, kinh doanh đa ngành.
Thanh Phong