Bạn đọc

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Còn nhiều cơ sở vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-9), đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện Ia Grai, Mang Yang. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện một số cơ sở vi phạm các quy định trong lĩnh vực ATTP.
 Tăng cường kiểm tra đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu 2018. Ảnh: N.N
Tăng cường kiểm tra đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu 2018. Ảnh: N.N
Sáng 11-9, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh bánh mì, bánh kem tại 34 Cách Mạng Tháng Tám (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) do bà Nguyễn Thị Thúy Hằng làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện trong quá trình sản xuất, chế biến, cơ sở này có sử dụng phụ gia thực phẩm quá hạn sử dụng gồm: 1 chai màu nước thực phẩm và 1 chai si rô màu nâu. Với vi phạm trên, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính cơ sở này về lỗi sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng đã hết hạn. Được biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất 1.000 chiếc bánh mì lạt và gần 1.000 sản phẩm bánh ngọt, bánh kem các loại khác bán ra thị trường. Giá bánh rẻ nhất là 2.000 đồng/cái, đắt nhất trên 200.000 đồng/cái.
Giải thích về vi phạm trên, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết là do trong khâu quản lý, bà đã thiếu kiểm tra, giám sát hàng ngày dẫn đến sơ xuất. Số màu nước thực phẩm trên chủ yếu dùng để trang trí bánh kem. Cơ sở nhận sai về hành vi này và khẳng định sẽ chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.  
Tiếp đó, vào chiều 11-9, khi tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Trương Thị Ngọc Bích (hẻm Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku), đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ này về lỗi không có đủ thiết bị, biện pháp phòng-chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định. Theo bà Bích, cơ sở này sản xuất bánh mì lạt, bánh ngọt các loại với quy mô nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày, cơ sở đưa ra thị trường 500-600 cái bánh (chủ yếu là bánh mì lạt). “Tuy sản xuất quy mô nhỏ lẻ nhưng cơ sở có đầu tư nhà xưởng riêng, trang-thiết bị, dụng cụ sản xuất… Về lỗi vi phạm, cơ sở ghi nhận và sẽ chấn chỉnh ngay, không để tái phạm”-bà Bích cho biết.
Đi vào hoạt động sản xuất cơm sấy đã khá lâu nhưng với việc sản xuất thủ công, công nghệ thô sơ, lạc hậu, không đầu tư trang-thiết bị… hoạt động của hộ kinh doanh Lương Thị Lệ (127 Lê Đại Hành, TP. Pleiku) chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Tại thời điểm kiểm tra chiều 11-9, cơ sở này đang hoạt động nhưng chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sản xuất. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng ghi nhận cơ sở không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất thực phẩm; cơ sở hạ tầng không đảm bảo ATTP; trang-thiết bị, dụng cụ cũ, rỉ sét; điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất, khu vực kho không đảm bảo, cơm sấy còn để dưới nền nhà…Với những tồn tại trên, đoàn kiểm tra đề nghị chủ cơ sở phải bổ sung đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sản xuất cơm sấy và có mặt tại Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh chiều 14-9 để làm việc với đoàn kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra-nhận xét: Qua 2 ngày đầu kiểm tra ATTP Tết Trung thu 2018, chúng tôi ghi nhận nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm đã nâng cao nhận thức, chấp hành tốt thủ tục hồ sơ pháp lý, tuân thủ quy định về ATTP. Hầu hết các cơ sở có sự đầu tư về hạ tầng, đổi mới thiết bị, dụng cụ; quan tâm đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh… Một số cơ sở từng vi phạm trước đó nay qua kiểm tra lại đã có sự chuyển biến tích cực, không tái phạm. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cơ sở vi phạm. Lỗi vi phạm chủ yếu là do chủ cơ sở thiếu quản lý, giám sát trong quá trình sản xuất, chế biến dẫn đến sử dụng phụ gia hết hạn sử dụng; trong quá trình sản xuất, một số dụng cụ chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm…
Cũng theo ông Đang, đợt kiểm tra sẽ tiếp tục từ nay cho đến ngày 5-10 với hình thức kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Không chỉ kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết không để thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành còn kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định trong lĩnh vực ATTP; hướng dẫn cơ sở khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế để sản xuất, kinh doanh đúng quy định.
Như Nguyện
------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Gia Lai

Có thể bạn quan tâm