Kinh tế

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP giúp tăng chất lượng nông sản chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và gia đình ở Gia Lai đã đầu tư sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương, giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản chủ lực, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đa dạng cây trồng theo tiêu chuẩn GAP

Ông Vi Văn Viễn (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi gồm 12 thành viên chủ yếu trồng các loại cây như cam, quýt, bưởi... theo hướng VietGAP với diện tích khoảng 15 ha. Những hộ tham gia trước đã có sản phẩm thu hoạch cung cấp cho thị trường trong nước. Riêng gia đình tôi cũng trồng 2 sào cam Vinh, năm ngoái mới thu bói. Được tham gia tập huấn kỹ thuật về sản xuất theo quy trình VietGAP nên chúng tôi tuyệt đối tuân thủ việc ghi chép đầy đủ lịch trình cho từng loại cây trồng từ ngày gieo trồng cho đến chăm sóc, thu hoạch (kể cả ngày bón phân, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...). Phương pháp sản xuất mới giúp nông dân chúng tôi tiết kiệm phân bón, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc vườn cây phát triển, đạt năng suất, chất lượng tốt hơn”.

Sơ chế, đóng gói bắp nếp hữu cơ tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: N.D
Sơ chế, đóng gói bắp nếp hữu cơ tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp


Để hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn, từ năm 2017-2019, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chứng nhận 9 mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây rau, cà phê, hồ tiêu và mật ong. Những sản phẩm này bước đầu đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, xây dựng khoảng 23 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Riêng trong năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu y tế, dân số, ngành nông nghiệp đã lựa chọn 5 mô hình triển khai hỗ trợ sản xuất an toàn theo hướng VietGAP để nhân rộng trong những năm tới gồm: sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (huyện Chư Pưh); Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi xã Kon Gang (huyện Đak Đoa); sản xuất cà phê an toàn của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Bình Ban Mê (TP. Pleiku); khoai lang Lệ Cần của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình (huyện Đak Đoa) và sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện)…

Đẩy mạnh sản xuất  theo chuỗi giá trị

Bà Trịnh Thị Hoa (làng Kop, xã Kon Gang) thông tin: Gần 1 ha đất sản xuất của gia đình bà trồng xen nhiều loại cây có múi như cam, quýt đường, bưởi sản xuất theo hướng VietGAP. Riêng cây cam đã thu hoạch năm thứ 3. Năm ngoái gia đình bà Hoa thu trái trên khoảng 200 cây cam, bán được khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư lãi 100 triệu đồng. Bà Hoa mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đưa các sản phẩm vào siêu thị giúp tăng giá trị và có đầu ra ổn định hơn…

Nhà lồng trồng cà chua và các loại cây trồng khác của HTX An Phú Thịnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhà lồng trồng cà chua của HTX An Phú Thịnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Toàn tỉnh hiện có 38.351 ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP và tương đương. Trong đó, khoảng 34.060 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Organic; 37,4 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic; 489 ha chè; trên 72 ha rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 3.692 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, HTX… chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất quy mô lớn, tập trung, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… trên các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, quả… gắn với liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Trong những năm tới, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng các mô hình IPM, ICM, VietGAP… trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh phù hợp thị trường.

“Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm hàng hóa nông sản thế mạnh của tỉnh, xác lập bảo hộ nhãn hiệu tập thể chứng nhận sản phẩm đặc thù của địa phương như: gạo Phú Thiện; rau An Khê; rau An Sơn (huyện Đak Pơ); khoai lang Lệ Cần (huyện Đak Đoa)… Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình liên kết thu mua, chế biến nông-lâm và thủy sản có chứng chỉ an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”-ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm.

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm