Không thỏa hiệp, buông xuôi, họ luôn sẵn sàng bước ra khỏi vòng an toàn để thể hiện mình và khẳng định mình. Giữa muôn vàn tinh tú, họ đã toả sáng thứ ánh sáng riêng có, đặc sắc của mình.
“Hơn hai thập kỷ trước, chúng tôi những người FPT lúc bấy giờ bước chân ra thế giới chỉ với một khát vọng đem công nghệ Việt ra thế giới. Dám mơ lớn, cháy bỏng theo đuổi khát vọng đã giúp FPT vượt qua muôn vàn khó khăn ở nhiều thời điểm khắc nghiệt khác nhau. FPT bắt đầu mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000), rồi lần lượt đóng cửa vì không tìm được khách hàng. Chúng tôi đứng trước thời khắc “sinh tử”, quyết tâm đi làm xuất khẩu phần mềm hay lại quay về vùng an toàn của mình làm IT trong nước”, ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm FPT nói.
Năm 2023, FPT chạm mốc doanh thu tỷ đô từ dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thị trường nước ngoài. Nhưng các con số đều lạc hậu rất nhanh, và mỗi cột mốc đều có tính chất thời điểm. “Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn cứ “lỳ” với khát vọng ngày đầu, hướng đến đẳng cấp thế giới, xây dựng một công ty công nghệ Việt Nam sánh vai với các công ty toàn cầu. Điều đó bắt đầu bằng giá trị phần mềm từ nước ngoài mang về. Chúng tôi không ngừng đặt cho mình các KPI tương lai về chinh phục những thị trường đem lại tỷ đô; chuyên ngành chuyên sâu các lĩnh vực ô tô, chăm sóc sức khỏe y tế, năng lượng; hợp đồng có giá trị tỷ đô; khách hàng tỷ đô...” , CEO của Công ty Phần mềm FPT trải lòng.
Ông Tuấn thừa nhận không cảm thấy đơn độc trên hành trình đưa Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế. Để đảm đương những trọng trách lớn hơn, tập thể công ty đã kết hợp sức trẻ, khát vọng và sự chăm chỉ của kỹ sư Việt Nam với kinh nghiệm chuyên môn, sự am hiểu môi trường kinh doanh của người bản địa với mục tiêu 3 năm tới, bằng cách liên kết với các trường đại học hàng đầu có 20% nhân sự của FPT sẽ là người nước ngoài.
Giờ đây FPT là đối tác chiến lược của những tên tuổi lớn nhất toàn cầu, như Top 3 đối tác chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của SAP. Cũng vì nhanh chóng đi sâu vào những công nghệ mới nhất, công ty đã nắm bắt cơ hội trở thành đối tác với gần 100 công ty đứng trong Top 500 công ty lớn nhất thế giới. Tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A trên toàn cầu, nâng cao vị thế và năng lực, mở rộng tập khách hàng, hoàn thiện các mảnh ghép còn thiếu trong các chuyên ngành. Chỉ trong năm 2023, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại châu Mỹ - Latinh, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI…
Cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế
Năm 2023, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo khi ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, con số mà Facebook, Google phải mất tới vài năm. Các công cụ tích hợp AI tạo sinh như ChatGPT được đánh giá sẽ trở thành “vũ khí chiến lược” giúp các quốc gia duy trì và phổ biến hệ tri thức bản địa, cũng như tạo ảnh hưởng trên thế giới. “Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, chúng tôi đã lên kế hoạch cho một ChatGPT phiên bản Việt”, GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigdata chia sẻ.
Cuối tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên chúng ta có một ứng dụng “ChatGPT phiên bản Việt” dành cho người dùng cuối. Đây mới là bước đi đầu tiên, nhưng cũng là thành quả đáng tự hào của công nghệ Việt trong năm 2023, vì nó chứng minh được năng lực làm chủ AI tạo sinh từ những tầng lõi sâu nhất (hạ tầng cho tới ứng dụng), qua đó dần dần xoá bỏ sự phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài. “Sản phẩm này được phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt do đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học của chúng tôi xây dựng, được công bố vào tháng 8/2023. Chúng ta dần khẳng định năng lực tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia cùng sự tự tôn của văn hoá bản sắc Việt”, GS Văn nói.
Bên cạnh các sản phẩm AI, những dấu ấn từ Dự án giải mã 1.000 hệ gen người Việt do đội ngũ các nhà khoa học của VinBigdata thực hiện cũng đóng góp tích cực trong tiến trình đưa công nghệ Việt bắt kịp với các bước tiến trên thế giới, đồng thời có những ứng dụng rất thực tiễn cho cộng đồng. Hy vọng nghiên cứu này sẽ mở ra rất nhiều hướng đi mới cho y học tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ. Theo báo cáo của S&P, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á. GS Văn nhìn nhận: “Năm năm qua, với sứ mệnh “Công nghệ Việt - Vì tương lai Việt”, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu “giải bài toán của người Việt”, kết hợp công nghệ tiên tiến trên thế giới với dữ liệu đặc trưng của cộng đồng. Trên đà những thành tựu đột phá vừa qua, chúng tôi đang tiếp tục tối ưu và phát triển hạ tầng dữ liệu lớn mang đặc trưng của người Việt để hiện thực hóa khát vọng trở thành công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, vươn tầm khu vực, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng công nghệ uy tín quốc tế”.
Tự hào nguồn gốc Việt
Mùa hè năm 2021 - thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội, nhóm phản ứng nhanh COVID-19 (Task Force COVID-19) của AVSE Global được thành lập, do TS Nguyễn Thị Thu Hiền làm giám đốc. Hơn 7 tháng sau đó, Task Force đã huy động được nguồn hỗ trợ thiết bị y tế từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh… với tổng trị giá lên tới hơn 30 triệu USD, vận chuyển được 2 chuyến hàng về Việt Nam, trong đó có 54 máy thở.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” là câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà TS Hiền rất tâm đắc. Sống xa xứ, Hiền luôn nghĩ mình may mắn và có nhiều yêu thương trong cuộc sống. Và đó là lý do chị chọn dùng cuộc sống của mình để giúp và nâng đỡ tinh thần, khuyến khích những người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Trong những năm tháng tham gia hoạt động cộng đồng, tôi không nghĩ nhiều đến việc được, mất mà vì những hoài bão tuổi trẻ, vì sự tử tế trong cuộc sống mình muốn theo đuổi. Khi có gia đình, lập nghiệp ở nước ngoài, tôi hoạt động cộng đồng vì muốn con mình nhớ và tự hào về nguồn cội, biết yêu thương mọi người. Khi dấn thân vào tham gia và nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Task Force COVID-19 hướng về Việt Nam, điều đầu tiên tôi nghĩ đến vì nơi đó là quê hương, mình có thể đóng góp gì đó từ chuyên môn của mình. Với tôi, đại dịch COVID-19, nhìn về mặt tích cực, giúp trân quý hơn từng phút giây sống trong cuộc đời. Và thành thật mà nói tôi đã sống với tâm thế của người biết ơn mảnh đất đã sinh ra mình, để sống tận tụy và cống hiến”, TS Hiền trải lòng.
Thầy Lê Mạnh Cường (ngoài cùng bên phải) – người dẫn dắt đoàn học sinh dự thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn Quốc tế |
Hai vợ chồng chị đều quan niệm rằng giúp ai đó, chỉ vì mình giúp được họ, vì chữ duyên - mình ở đó, lúc đó, và mình giúp được, đơn giản thôi. Với chị, có được những suy nghĩ này là cả một hành trình thấu hiểu, soi rọi và hoàn thiện bản thân. Trong hành trình đang đi và vẫn dấn thân ấy, chị tâm niệm sẽ mang theo câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như một kim chỉ nam dẫn đường. “Không có hành trình nào liền mạch hay suôn sẻ mà tất cả chúng ta đều có thể vấp ngã. Thất bại, khủng hoảng, mọi thời điểm khó khăn đều là những bài học quý báu. Và tôi rất thích lời dạy: Không có con đường đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường”, TS Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ.
Tự tin, bản lĩnh khẳng định mình
Từ năm 2016, thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam vinh dự được cử dẫn đoàn học sinh Việt Nam dự Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế. Đây là lĩnh vực khá mới mẻ đối với học sinh Việt Nam vì từ chương trình, sách giáo khoa 2018 bắt đầu đưa một phần chuyên đề về thiên văn vào dạy học ở bậc THCS - THPT, trước đó các em hoàn toàn phải tự mày mò, khám phá.
Bất ngờ, năm đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người” dù thầy trò sẵn sàng với tinh thần giao lưu, học hỏi nhưng đội tuyển của Việt Nam đã có học sinh giành huy chương Bạc. Ấn tượng nhất là năm 2021, đoàn giành 2 Huy chương Vàng hay năm 2019, kỳ thi tổ chức tại Hungari, đoàn có học sinh đoạt Huy chương Vàng với điểm số cao nhất cuộc thi. Kết quả xuất sắc đó đã đưa Việt Nam vào sâu trong top 10 ở một lĩnh vực mới mẻ, góp thêm vào bảng vàng thành tích của học sinh Việt tại các kỳ thi Olympic quốc tế, khẳng định tên tuổi, vị thế của thế hệ trẻ đất nước trên đấu trường tri thức.
Kỳ thi Olympic quốc tế hằng năm có số đoàn dự thi của các quốc gia và vùng lãnh thổ rất đông, trong đó các đội mạnh đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản… Với quyết tâm, nỗ lực, đoàn học sinh Việt Nam bước ra thế giới “so găng” với học sinh các quốc gia khác hoàn toàn tự tin, bản lĩnh. Nhiều năm dẫn đoàn, thầy Cường luôn thấy tự hào, hãnh diện khi chứng kiến niềm hạnh phúc của học sinh bước lên bục nhận giải.
Một tín hiệu đáng mừng là, hiện nay sách giáo khoa mới đã đưa lĩnh vực này vào dạy học để các em tiếp cận, làm quen. Ngay tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã có các CLB về khoa học, CLB Thiên văn thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Chính các anh chị khoá trước tham dự các kỳ thi, chia sẻ thông tin, kiến thức đã lan toả, truyền cảm hứng, động lực rất lớn cho các em khoá sau tìm hiểu về khoa học vô cùng thú vị. Nhiều học sinh từng đoạt giải cao trong kỳ thi Olympic quốc tế hiện đã theo học ngành này ở các trường ĐH top đầu thế giới để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Ví dụ như em Trần Quang Vinh, Nguyễn Mạnh Quân hiện đang học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cùng một số học sinh khác đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực và thường xuyên có sự cộng tác, liên hệ với các chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam để chia sẻ thông tin. Điều này khiến thầy - người đồng hành và dày công ôn luyện trong năm tháng các em ở dưới mái trường chuyên nổi tiếng Hà Nội đầy bất ngờ và tự hào vì đã nhen nhóm và “truyền lửa” thành công.
“Không có hành trình nào liền mạch hay suôn sẻ mà tất cả chúng ta đều có thể vấp ngã. Thất bại, khủng hoảng, mọi thời điểm khó khăn đều là những bài học quý báu. Và tôi rất thích lời dạy: Không có con đường đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường”.
TS Nguyễn Thị Thu Hiền
Kết nối để vươn xa
TS. Lê Duy Anh (34 tuổi), Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong 10 thanh niên tiêu biểu được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thời gian còn học tập ở nước Anh, Duy Anh may mắn có cơ hội được hỗ trợ khi Đoàn Thanh niên Việt làm việc tại một trường đại học số 1 của Ba Lan. Từ chuyến đi đó, Duy Anh có cơ hội để hiểu thêm về chính sách đối với thanh niên, nguồn lực đầu tư mà nhà nước dành cho thanh niên, khẳng định chắc chắn hơn ý định trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp.
“Dấu mốc 1 tỷ USD doanh thu mang lại chỉ là bước khởi đầu trên hành trình chuyển đổi số mà FPT kiên định theo đuổi, nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước hình chữ S trên bản đồ thế giới. Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số. Cơ hội cho Việt Nam chưa từng lớn đến như vậy”. ông Phạm Minh Tuấn
12 năm học và làm việc ở nước ngoài nhưng cậu không thay đổi mục tiêu trở về. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2019, Duy Anh quyết định về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự trở về đó khiến rất nhiều người đặt câu hỏi: Sao lại trở về. Nhưng theo Duy Anh, câu hỏi đúng phải là: Tại sao không trở về. Bởi mọi sự trở về đều có ý nghĩa. Và để chứng minh cho quyết định đúng đắn của mình, trong lần tham gia vào diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam do T.Ư Đoàn Thanh niên tổ chức năm 2020, Duy Anh đã nhìn thấy mạng lưới các nhà khoa học, giáo dục Việt Nam, có cơ hội được kết nối với nhiều người Việt trẻ đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới, qua đó, thể hiện tiềm năng của giới trẻ Việt.
Các nhà khoa học Việt Nam nỗ lực vươn tầm thế giới |
Cơ sở dữ liệu về thanh niên tiêu biểu của Việt Nam cho thấy, một số người làm trong lĩnh vực pin năng lực mặt trời, an ninh số, vốn những lĩnh vực nóng, Việt Nam đang rất cần nhân lực. Hay như một số người làm trong lĩnh vực Y, Dược liên quan đến ung thư. “Người Việt trẻ luôn sẵn sàng khi được mời về đóng góp cho quê hương đất nước”, Duy Anh nhận định. Đồng thời khẳng định bản thân luôn muốn những người Việt trẻ ở nước ngoài, trong nước quy tụ với nhau để đóng góp, giải quyết các vấn đề của đất nước. Trong đó, người Việt trẻ ở nước ngoài có thể yên tâm về nước làm việc, vì có những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm. Nếu còn do dự, có rất nhiều nguồn như Đoàn Thanh niên hỗ trợ. Luôn có cơ hội để người trẻ phát huy, luôn có cơ hội để về nước làm việc. Duy Anh khẳng định người trẻ hoàn toàn yên tâm vì các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều tạo điều kiện thuận lợi để họ về nước đóng góp cho đất nước.