Sức khỏe

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- 156 cán bộ y tế trong tỉnh Gia Lai vừa tham gia khóa tập huấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, dị tật trước sinh và sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-cho biết: Tham gia tập huấn, các học viên được truyền đạt một số chuyên đề về quy trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; kỹ thuật lấy mẫu máu đầu ngón tay của thai phụ và lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; sàng lọc sơ sinh suy giảm thính lực và dị tật bẩm sinh; điền phiếu, gửi mẫu sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, học viên còn thực hành các kỹ thuật nói trên.

“Lớp tập huấn giúp cán bộ y tế cập nhật kiến thức, kỹ năng và quy trình tư vấn về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, góp phần thực hiện tốt hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, dị tật trước sinh và sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để hoàn thành chỉ tiêu có 790 bà mẹ mang thai được tầm soát trước sinh và 1.580 trẻ sơ sinh được sàng lọc sau sinh”-ông Nhật thông tin.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quang Tiến (bìa trái)-Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hướng dẫn các học viên kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Ảnh: N.N

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quang Tiến (bìa trái)-Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hướng dẫn các học viên kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Ảnh: N.N

Dị tật ở thai nhi sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tương lai của trẻ. Đây là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, hầu hết những dị tật bẩm sinh đều có thể khám, sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm nhờ thực hiện sàng lọc trước sinh và sau sinh.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quang Tiến (Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số, hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội. Trong khóa tập huấn này, chúng tôi hướng dẫn các học viên về kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh thực hiện sàng lọc sơ sinh. Việc lấy máu gót chân không gây nguy hiểm cho trẻ, không tốn nhiều chi phí mà mang lại hiệu quả lớn.

Theo bác sĩ Tiến, thời gian thực hiện lấy máu gót chân cho trẻ trong vòng 24-72 giờ, tốt nhất là 48-72 giờ sau sinh hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh. Đối với trường hợp sinh non, thiếu cân, trẻ cần được đưa đi lấy máu gót chân trước ngày thứ 20 sau sinh. Những trẻ phải truyền máu sau sinh thì lấy sau thời gian 3 tháng. Máu lấy ra sẽ được thấm lên giấy thấm khô chuyên biệt và mang đi xét nghiệm.

“Việc lấy máu gót chân sẽ giúp bác sĩ phát hiện và điều trị sớm một số bệnh lý như: thiếu men G6PD gây bệnh vàng da, nếu kéo dài sẽ gây các nguy cơ về não, có nguy cơ tử vong cao hoặc các biến chứng về thần kinh, chậm phát triển…; tăng tuyến thượng thận bẩm sinh (khi trẻ có vấn đề về bệnh này thì có thể khiến cho bộ phận sinh dục của bé gái phát triển theo hướng nam tính); suy giáp bẩm sinh (tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh sẽ khiến trẻ trở nên đần độn, bị ảnh hưởng cả trí tuệ và chiều cao). Những bệnh lý này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm. Việc sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp trẻ phát triển bình thường sau này”-bác sĩ Tiến cho hay.

Tích lũy được nhiều kiến thức thiết thực từ lớp tập huấn, chị Phan Thị Minh Tâm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho biết: “Sau khóa học này, tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân chủ động khám sàng lọc sức khỏe tiền hôn nhân. Đối với các bà mẹ mang thai nên thực hiện tầm soát trước sinh và cho trẻ sơ sinh khám sàng lọc sau sinh để sớm phát hiện các dị tật ở trẻ, từ đó có những xử lý can thiệp giúp trẻ có khởi đầu toàn diện đảm bảo sức khỏe về sau”.

Còn chị Trịnh Thị Lan (Trạm Y tế xã Uar, huyện Krông Pa) thì khẳng định sẽ áp dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại địa phương. “Qua tập huấn, tôi củng cố được nhiều kiến thức về sàng lọc trước sinh và sau sinh. Ngoài tập huấn, tôi còn được thực hành, trao đổi, thảo luận và được giải đáp các thắc mắc; từ đó nắm vững lý thuyết cũng như thực hành để áp dụng vào thực tiễn công việc. Có kiến thức thì tôi cũng dễ dàng hơn trong việc tư vấn cho bà con hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề tầm soát trước sinh và sau sinh”-chị Lan nói.

Có thể bạn quan tâm