Điểm đến Gia Lai

Sáng mãi Cửu An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên ấp Tây Sơn Nhì xưa (xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai ngày nay), bao thế hệ cư dân đã kiên cường vật lộn với rừng thiêng nước độc để tồn tại và mưu sinh. Họ một lòng đoàn kết, quyết chí chống lại các thế lực áp bức, ngoại xâm. Còn hôm nay, trong hòa bình, họ đang đoàn kết, chung sức vun trồng cho đất mẹ thêm xanh tươi, thắm sắc.
1. Gia Lai đã bước vào mùa mưa nhưng nước trời vẫn chưa đổ xuôi về dải đất phía Đông Trường Sơn. Trên “con ngựa sắt” nhuốm màu thời gian, tôi rẽ làn gió oi bức tìm về với đất Cửu An-căn cứ địa buổi đầu của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ XVIII và cũng là vùng quê cách mạng kiên trung trong mấy mươi năm đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đón tôi là Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hoàng Quang. Tuy còn khá trẻ và mới đến xã nhận nhiệm vụ chưa được bao lâu, nhưng khi nhắc về Cửu An, anh lại có hiểu biết khá tường tận và dành cho mảnh đất này thật nhiều tình cảm trân quý lẫn tự hào. Cũng bởi, đây chính là nơi ông bà cùng người cha yêu kính của anh được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành.
Lật giở từng trang “Lịch sử truyền thống cách mạng xã Cửu An”, anh Quang thông tin với tôi bằng chất giọng đầy tự hào: Khi xưa, nơi đây là ấp Tây Sơn Nhì, là vùng đất những người Kinh đầu tiên dừng chân khi từ vùng đồng bằng lên khai phá cao nguyên phía Tây tỉnh Bình Định. Đất và người Cửu An được nhắc đến khá sớm trong những trang sử vàng của dân tộc, đặc biệt là giai đoạn mở đầu phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-1773), gắn liền với tên tuổi của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Thời gian dần trôi, những địa danh oai hùng như: Gò Đồn, Vườn Lính, Gò Kho, Gò Trại... dẫu đã mờ phai vết tích nhưng với người dân Cửu An, tất cả vẫn là miền ký ức sâu đậm chất chứa niềm tự hào.
Ông Văn Ngọc Bằng (bìa phải, thôn An Điền Nam) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây quýt đường với anh Trần Hoàng Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An. Ảnh: Mộc Trà
Ông Văn Ngọc Bằng (bìa phải, thôn An Điền Nam) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây quýt đường với anh Trần Hoàng Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An. Ảnh: Mộc Trà
Cuối thế kỷ XIX, là cửa ngõ Tây Nguyên, Cửu An sớm phải đối mặt với những chính sách áp bức, bóc lột, vơ vét tàn khốc của thực dân Pháp trong 2 cuộc khai thác thuộc địa. Không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, người dân Cửu An đã theo gương nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hảo hưởng ứng phong trào Cần Vương-Văn Thân (1885-1886) và phong trào Duy Tân chống sưu thuế. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Chấn Hưng, đồng bào Kinh-Thượng vùng Cửu An-An Khê đã vùng lên đấu tranh, giành lại chính quyền. 
“Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều người con ưu tú của Cửu An, trong đó có đồng chí Đỗ Trạc-Bí thư chi bộ đầu tiên của An Khê đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù. Tấm gương quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của những đồng chí ấy chính là ngọn đuốc sáng ngời, soi rọi, nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay phải sống sao cho thật sự xứng đáng”-anh Quang kiên định.
2. Truyền thống anh hùng trong những tháng năm chống Pháp chính là hành trang giúp người dân Cửu An vững vàng hơn trong 21 năm trường kỳ chống đế quốc Mỹ và tay sai. Không ít gia đình trở thành cơ sở cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho đến khi cuộc chiến giành thắng lợi cuối cùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2005, xã Cửu An đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 
Trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, bà Phạm Thị Màu (thôn An Điền Nam) chậm rãi kể cho tôi nghe chuyện bà con trong thôn cùng làm cách mạng, kể cả khi địch dồn dân lập ấp chiến lược hay bắt dân “tản thanh” vào trung tâm An Khê. Lúc ấy, nhà nào cũng âm thầm hoạt động nhằm bảo toàn cơ sở cho cách mạng. Phụ nữ chủ yếu chăm lo sản xuất, tiếp tế gạo, mì, nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ nương náu trên rừng. Đàn ông thì làm liên lạc, du kích mật, có người tham gia chiến đấu ở các vùng lân cận. “Riêng chồng tôi tìm cách trà trộn vào lính ngụy từ năm 1968 để nắm tình hình, làm nội ứng cho cách mạng. Địch nghi ngờ song vì không có bằng chứng nên thường xuyên đổi ông ấy từ đồn Cửu An qua Tú Thủy rồi Núi Đá. Năm 1971, chồng tôi hy sinh. Trải qua cuộc chiến chống Mỹ, tính cả gia đình, dòng họ của tôi cũng gần 10 người đã nằm xuống. Mất mát không nhỏ nhưng rất đáng tự hào vì ai nấy đều đã sống hết mình cho quê hương, đất nước”-bà Màu khẳng khái nói.
Tương tự, bà Văn Thị Hồng Thắm (72 tuổi, thôn An Điền Bắc) cũng tích cực góp sức đánh đuổi quân thù từ khi còn khá trẻ. Nhiệm vụ chủ yếu của bà là tiếp tế lương thực, thực phẩm và nắm tình hình hoạt động của địch trong ấp chiến lược để thông tin cho cán bộ cách mạng. Dưới sự giáo dục của cách mạng, bà dần trưởng thành. 15 tuổi, bà được kết nạp vào Đoàn; 17 tuổi, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên duy nhất của Chi bộ An Điền hoạt động bí mật trong lòng địch.
Dưới sự giáo dục của cách mạng, bà Văn Thị Hồng Thắm (thôn An Điền Bắc) đã trưởng thành và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ảnh: Mộc Trà
Bà Văn Thị Hồng Thắm (thôn An Điền Bắc) chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong quá trình tham gia cách mạng của mình. Ảnh: Mộc Trà
Nhớ về những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp cách mạng của mình, bà Thắm kể, có 4 lần bà bị địch bắt bỏ tù và tra tấn “thừa chết, thiếu sống”. Đó là lúc bà tham gia rải truyền đơn, làm công tác binh vận, địch vận hay tiếp tế lương thực cho cách mạng. “Một sự kiện nữa cũng khiến tôi nhớ mãi chính là thời khắc bộ đội ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Núi Đất, đánh đồn Cửu An và giải phóng hoàn toàn xã Cửu An vào ngày 17-3-1975. Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ cầm ngọn đuốc thiêu rụi toàn bộ đồn Cửu An, ghi dấu thắng lợi của quân ta tại đây. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn vô cùng xúc động”-bà Thắm bộc bạch.
3. Hơn 46 năm sau ngày giải phóng, từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh, Cửu An hôm nay đã vươn mình trỗi dậy, căng tràn sức sống mới. Hình ảnh về một vùng đất từng bị bom đạn cày xới, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu... đã ngày một lùi xa. Thay vào đó là màu xanh của sự no ấm, đẹp giàu đang dần hiện hữu rõ nét trên miền quê cách mạng.
“Năm 2011, khởi đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã chỉ có 1/19 tiêu chí đạt chuẩn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và các nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, năm 2016, Cửu An là xã đầu tiên của thị xã An Khê về đích trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Đây chính là tiền đề để xã tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021”-Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hoàng Quang cho hay.
Diện mạo nông thôn xã Cửu An ngày càng khởi sắc. Ảnh: Mộc Trà
Diện mạo nông thôn xã Cửu An ngày càng khởi sắc. Ảnh: Mộc Trà
Là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp luôn được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Những cây trồng, vật nuôi chủ lực được tập trung phát triển. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Dưới cái nắng oi bức, vườn quýt đường trồng xen với ổi rubi ruột đỏ của ông Văn Ngọc Bằng (thôn An Điền Nam) vẫn căng tràn nhựa sống, cây nào cây nấy quả trĩu cành. Vừa tranh thủ thu hoạch đợt ổi đầu tiên trong năm, ông Bằng vui vẻ nói: “Bữa giờ, tôi thu được khoảng 2 tạ ổi rồi, bán với giá 17 ngàn đồng/kg, thị trường khá ưa chuộng. Riêng 1,5 ha quýt đường sẽ cho thu bói vào cuối năm nay. So với việc trồng mì, bắp trước đây thì cây ăn quả hiệu quả hơn rất nhiều”.
Dẫn tôi đi trải nghiệm thực tế những vườn cây ăn quả khác ở thôn An Điền Nam, anh Quang cho hay, toàn xã có gần 16 ha cây ăn quả có múi như: quýt đường, cam sành, bưởi da xanh... đang trong giai đoạn chăm sóc và cho thu bói. Cuối năm 2019, xã có 17 hộ dân tham gia Dự án “Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã chủ trì thực hiện với tổng diện tích 10 ha. Khi tham gia Dự án, nông dân được tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội tốt giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho sản xuất cây ăn quả địa phương phát triển.
Ngoài tập trung phát triển nông nghiệp, người dân Cửu An cũng bắt đầu làm quen với việc làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã hiện còn rất nhiều di tích ghi dấu của nhà Tây Sơn và các điểm đến tâm linh như: dinh Bà, đình Cửu An, chùa Quang Minh…; chưa kể một số bàu, đập, lòng hồ sinh thái khá đẹp mắt. Ngoài ra, vài năm trở lại đây, Cửu An còn được khách thập phương biết đến với lễ hội dâu da đỏ tại thôn An Điền Bắc. Ông Phạm Trinh (85 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Vườn dâu của tôi có hơn 40 cây, trong đó có nhiều cây đã 42 năm tuổi. Ngày trước, chúng tôi mang giống từ rừng về, trồng quanh vườn để con cháu ăn cho vui, không nghĩ rằng một ngày lại có thể trở thành điểm tham quan, du lịch. Dưới sự hướng dẫn của địa phương, chúng tôi cũng đang chăm sóc lại vườn, chú trọng các hoạt động dịch vụ kèm theo. Hy vọng dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để bà con lại được làm du lịch”.
Mong muốn của ông Trinh có lẽ cũng là ước muốn chung của cán bộ và người dân Cửu An khi mà tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương là khá lớn. Nhìn hàng trụ turbine điện gió với những cánh quạt khổng lồ thuộc Dự án Nhà máy điện gió Cửu An nơi đầu xã, lại nhớ về việc thị xã An Khê đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh “Quần thể di tích lịch sử-văn hóa ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An”, tôi càng có niềm tin vào sự bứt phá vươn lên hơn nữa trong tương lai của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm