Bạn đọc

Sao lại xoa thần hổ chữa bệnh, đốt vàng mã cầu may, nhét tiền tay Phật cầu lộc !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc cho nhiều ý kiến lên tiếng đả phá tệ nạn mê tín dị đoan, nhưng tình trạng lạm dụng đốt vàng mã và những hình thức cầu tài lộc mê muội ngày càng trầm trọng hơn.
Du khách thập phương đến tham dự, tham quan và cầu may đầu năm ở lễ hội đình Cối. Ảnh: Trần Trọng

Du khách thập phương đến tham dự, tham quan và cầu may đầu năm ở lễ hội đình Cối. Ảnh: Trần Trọng

Theo quan niệm trần sao âm vậy, vàng mã ngày nay có giày thể thao để chạy marathon, bikini để tắm biển. Phương tiện sinh hoạt đi lại như xe hơi, nhà lầu, tivi, iPad, iPhone, ngựa và cả ô sin giúp việc.

Một lượng tiền thật quá lớn bỏ ra để mua tiền giả đem đốt. Một đất nước còn nghèo nhưng chi phí cho tục đốt vàng mã chiếm đáng kể túi tiền của người dân. Ngoài ra, chưa ai tính hết được về mức độ ô nhiễm môi trường do đốt vàng mã gây ra, nhưng hệ lụy thì đương nhiên có, nhất là những điểm tập trung lễ hội, thờ cúng.

Đền Ông Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ngày mùng 9 Tết đông nghẹt khách thập phương. Mỗi mâm lễ vật rất to, cầu kỳ, ngựa lớn xe lớn.

Ngoài lễ vật, người dân còn nhét thêm tiền lẻ vào mâm lễ để đưa vào đền cúng bái. Vàng mã nhiều đến mức lò đốt không kịp vì quá tải.

Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất đông khách. Không biết người ta đồn đãi thế nào, mà nhiều người tìm đến đây vì mục đích chữa bệnh. Chữa bằng cách xoa dầu gió lên tượng "thần hổ", rồi xoa lên người mình.

Không chỉ ở chùa Hương Tích, mà ở nhiều đình, chùa khác, người ta chen nhau xoa tượng, với quan niệm càng xoa nhiều càng được may mắn.

Còn ở chùa Bái Đính, tình trạng ném tiền vào tay Phật để cầu lộc không thể dẹp được, mà ngày càng nặng nề, càng u mê.

Phật nào có thể nhận tiền "hối lộ" để ban lộc cho con người?

Thần hổ, thần cá, thần rồng nào có thể trị bệnh cho con người bằng xoa dầu gió, đem lại may mắn cho con người bằng sự vuốt ve. Đó là sự u mê.

Nhiều người đưa con cái đi theo, cha mẹ vái lạy và làm những điều mê tín như vậy và chỉ cho con cái làm theo. Mê tín dị đoan được cha truyền con nối, đất nước văn minh sao được.

Có điều rất đáng lo, đó là trong dòng người chen chúc "hối lộ", mặc cả thánh thần đó, có không ít người còn rất trẻ, tỏ ra là trí thức, có học hành. Tại sao những người có học lại có thể u mê ám chướng như vậy?

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo về tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Quý Mão 2023.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị các chùa khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.

Truyền thống Phật giáo không có nhét tiền vào tay Phật, không có xoa dầu vào thần hổ để chữa bệnh, không đốt vàng mã để mặc cả với người âm.

Có thể bạn quan tâm