Kinh tế

Giá cả thị trường

Sắp được mua hàng Mỹ giá rẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thuế nhập khẩu thịt gà, heo, táo tươi, nho tươi, khoai tây... từ Mỹ vào VN sẽ được giảm xuống theo lộ trình ngay từ năm 2020 và người tiêu dùng có cơ hội mua hàng từ Mỹ giá rẻ hơn.
 
Người Việt sẽ được mua thịt gà, trái cây từ Mỹ giá rẻ hơn. Ảnh: Ngọc Dương
Thực phẩm, trái cây... sẽ rẻ hơn
Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu (NK) ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan theo đề nghị từ phía Mỹ.
Cụ thể, Mỹ đề nghị giảm thuế NK thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028. Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi về 0% ngay trong năm 2020; lúa mì, khoai tây chế biến... giảm xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế NK thịt heo được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027.
Sau khi phân tích, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế NK thịt gà từ 20% xuống 18%; táo, nho tươi giảm từ 10% về 8%; lúa mì từ 5% về 3%; khoai tây từ 13% xuống 12%; thịt heo từ 25% về 22%. Riêng các mặt hàng sữa giảm thuế NK từ 2 - 5%, cụ thể sữa và kem, đã cô đặc, pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác từ 5% xuống 2%; pho mát và sữa đông từ 10% xuống 5%; sữa công thức cho trẻ em từ 10% xuống 7%; chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 15% xuống 10%... Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ.
Trong danh sách hàng nông nghiệp đề nghị cắt giảm thuế NK, Bộ Tài chính cho biết thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Đây là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế NK 20% như hiện nay, giá gà NK vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế NK thịt gà và chế phẩm xuống 18%, tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chỉ sợ hàng lậu, không sợ cạnh tranh
“Quan trọng nhất là phải đảm bảo thịt NK có nguồn gốc công khai, không nhập loại thịt phụ phẩm, gần hết hạn sử dụng. Đồng thời nhà nước phải có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại, từng bước cấm nhập các phụ phẩm. Áp lực cạnh tranh theo lộ trình giảm thuế sẽ buộc bản thân người chăn nuôi phải tự thay đổi mình để tồn tại và khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn”.

 Ông Nguyễn Trí Công

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng thịt heo, thịt gà sản xuất trong nước không cao hơn thịt sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên Việt Nam không có kênh phân phối từ trang trại đến bàn ăn mà phải qua nhiều khâu trung gian nên giá bán tăng lên mạnh. Ví dụ người chăn nuôi chỉ lời 1.000 đồng/kg thịt nhưng khi đi lòng vòng qua 4 khâu trung gian thì mỗi ký thịt sẽ tăng thêm tối thiểu 4.000 đồng. “Thuế NK thịt heo, thịt gà từ Mỹ vào Việt Nam giảm còn 0% thì ngành chăn nuôi cũng không quá lo lắng nếu nhà nước kiểm soát được việc NK đảm bảo hàng chất lượng như đóng gói bán tại siêu thị Mỹ. Nhưng nếu NK thịt phế phẩm, phụ phẩm với giá quá rẻ thì người tiêu dùng trong nước không mua được hàng chất lượng cao mà ngành chăn nuôi cũng không thể cạnh tranh được”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Cũng khá lạc quan, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đã từng bước thay đổi khá nhiều như áp dụng công nghệ trong sản xuất để tiết giảm chi phí. Cách đây khoảng 5 năm, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg thịt gà thì đến nay, giá thành này chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/kg. Thậm chí với các DN lớn, giá thành chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi gà của nhiều nước cũng duy trì ở mức 16.000 - 17.000 đồng/kg. Đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành, nhân công chỉ chiếm 5%. Nhưng ở các nước khác, thức ăn chiếm khoảng 50% và chi phí nhân công đắt đỏ nên chiếm đến 30% giá thành. Đây chính là lợi thế rất lớn của ngành chăn nuôi trong nước. Do vậy, nếu như thịt Mỹ NK vào Việt Nam nhưng với sản phẩm có chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì cũng sẽ không rẻ hơn thịt trong nước.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận xét không chỉ riêng Việt Nam giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ mà phía Mỹ cũng sẽ điều chỉnh thuế suất NK đối với hàng Việt Nam như nông sản, sắt thép, nhôm, đặc biệt là hàng dệt may... Dù vậy, việc giảm thuế NK đối với hàng hóa từ Mỹ trong thời gian tới sẽ có những tác động không thuận lợi cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam sản xuất được trong nước như thịt gà, heo. Riêng trái cây như táo, anh đào (cherry), lê... của Mỹ thì Việt Nam không có, nên khi giảm thuế NK thì người tiêu dùng Việt sẽ mua được trái cây rẻ hơn.
Mai Phương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm