(GLO)- Khu lâm viên Biển Hồ là di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của một số cơn mưa đầu mùa trong thời gian gần đây nên xảy ra tình trạng sạt lở, nguy cơ mất an toàn cho người dân và du khách tham quan di tích.
Theo phản ánh của các du khách tham quan Khu lâm viên Biển Hồ thì tình trạng sạt lở, đất sụt lún đang diễn ra và có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, khu vực xung quanh tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người dân và du khách tham quan di tích.
Phần taluy thuộc đường dẫn vào khu lâm viên Biển Hồ bị sạt, mất kết nối. Ảnh: G.N |
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở ngành, địa phương có liên quan đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở ở Khu lâm viên Biển Hồ, TP. Pleiku để có đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình hình.
Qua kiểm tra thực tế, các thành viên đoàn đề xuất UBND tỉnh đưa dự án đầu tư công trình chống sạt lở tại Khu lâm viên Biển Hồ vào danh mục công trình cấp bách của tỉnh. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đề nghị UBND TP. Pleiku khẩn trương hoàn thiện phương án khắc phục sạt lở theo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước đó.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở khu vực xung quanh tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát khu lâm viên Biển Hồ, TP. Pleiku. Đồng thời, UBND tỉnh giao UBND TP. Pleiku tiến hành ngay việc xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực đang có sự cố sạt lở; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông báo về tình trạng khẩn cấp này; nghiêm cấm người dân đến gần khu vực sạt lở.
Sau đây là một số hình ảnh mà P.V Báo Gia Lai Điện tử ghi nhận được:
Đất được bồi đắp xung quanh tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát sạt lở, nhiều cây xanh có bộ rễ lộ thiên nhưng không có biển cảnh báo an toàn. Ảnh: G.N |
Đơn vị thi công đang khắc phục tạm thời các vị trí bị hư hỏng, sạt lở. Ảnh: G.N |
GIA NGUYỄN