Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, tới đây, chính sách mới cho điện mặt trời áp mái sẽ thay đổi, trong đó sẽ không còn cơ chế giá FIT (giá ưu đãi cố định).
Không còn cơ chế giá FIT cho điện mặt trời áp mái
Đó là phát biểu của ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - tại toạ đàm "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt" diễn ra chiều nay (30.8).
Trong vài năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời mái nhà trong hoạt động kinh doanh sản xuất, nhằm giảm chi phí sử dụng điện, cũng như góp phần tạo lợi thế về xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhu cầu được lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình này, đặc biệt là nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết, việc đầu tư điện áp mái nếu đấu nối vào lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì phải có thoả thuận.
Về các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời áp mái và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ.
Phần chênh lệch đó có thể bán cho lưới điện thì phần giá điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của EVN hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn.
Toạ đàm “Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và GreenID tổ chức. Ảnh: VCCI |
Theo ông Hùng, Bộ Công Thương cũng đang soạn thảo dự thảo quyết định cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái.
Theo ông Hùng, trong thời gian tới khi xây dựng dự thảo sẽ không còn giá FIT ưu đãi trong 20 năm như trước đây. Thay vào đó, dự thảo đưa ra tỉ lệ tự dùng tại chỗ của các dự án 70-90%, nhằm giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, truyền tải và phân phối.
Ngoài tỉ lệ tự dùng, phần điện còn lại (10-30%), doanh nghiệp sẽ bán lại cho EVN. Giá bán điện sẽ theo khung giá phát điện mặt trời hàng năm do Bộ Công Thương ban hành, nhằm đảm bảo sát thị trường.
"Giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá khác. Chúng tôi đang nghiên cứu khung giá này và Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá hàng năm. Chúng tôi sẽ không đi theo cơ chế bù trừ trong năm" - ông Hùng khẳng định.
Bà Nguỵ Như Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - cho rằng, không thể kỳ vọng kéo dài mãi giá FIT, nhưng chính sách mới cần hướng tới việc thúc đẩy thị trường. Nếu chọn đây là loại hình năng lượng cần phát triển, chính sách đưa ra cần nhất quán, lâu dài và tránh liên tục thay đổi, để tạo niềm tin, thu hút nguồn lực của cho nhà đầu tư.
Chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời áp mái sử dụng cho các khu công nghiệp
Việc cấp phép đấu nối với dự án điện mặt trời mái nhà như thế nào? Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN - cho hay, Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời áp mái sử dụng cho các khu công nghiệp nên EVN chưa biết trả tiền như thế nào.
Do đó, đối với các khu công nghiệp đấu nối vào lưới thì sẽ có trường hợp chúng ta phát lên lưới. Với thời điểm công suất sử dụng thấp như hiện nay thì việc phát lên lưới sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lưới điện. Còn nhà dân phát lên rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không cao. Do đó, EVN vẫn đang chờ hướng dẫn.
"Nhu cầu năng lượng tăng rất cao, sức ép về năng lượng và an ninh năng lượng rất lớn. Việc phát triển năng lượng sạch năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng, giải quyết được nguồn năng lượng hiện nay, nâng cao sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
EVN luôn công khai minh bạch với các nhà đầu tư. Các thủ tục đều được hướng dẫn chi tiết đầy đủ và giải quyết nhanh chóng liên quan tới thoả thuận đấu nối. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ những đấu nối cho các nhà đầu tư" - ông Dũng nói.
Theo Anh Tuấn (LĐO)