Kinh tế

Doanh nghiệp

Sẽ điều chỉnh giảm phí BOT đường bộ trên cả nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Giao thông-Vận tải đang rà soát và phấn đấu đến hết tháng 10-2017 đàm phán để giảm phí tại 50 trạm theo kế hoạch.

 
 Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có nhiều sai phạm cần phải xử lý.
Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có nhiều sai phạm cần phải xử lý.



Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3-2017 và triển khai các nhiệm vụ công việc quý 4-2017 vào chiều 28-9, tại Hà Nội, trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc rà soát các trạm thu phí BOT đường bộ trên cả nước, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang triển khai rà soát 50 trạm thu phí BOT trên cả nước.

Bộ Giao thông-Vận tải đã chấp thuận phương án giảm phí tại 10 trạm BOT, đang xem xét đối với 3 trạm. Tất cả các trạm này đều được Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đàm phám dựa trên nguyên tắc về thời gian thu phí, tổng mức đầu tư, giá trị quyết toán và được các tổ chức tín dụng xem xét.

Bên cạnh rà soát giảm phí chung, Tổng cục ĐBVN cũng đàm phán với nhà đầu tư, tổ chức tín dụng về xử lý với vùng ảnh hưởng xung quanh trạm thu phí.

Theo đó sẽ nghiên cứu số lượng, lưu lượng phương tiện của người dân hai bên trạm thu phí để đàm phán với nhà đầu tư về việc giảm phí cho các đối tượng này. Đến nay đã hoàn thành đàm phán với 10 trạm thu phí.

“Tổng cục ĐBVN phấn đấu đến hết tháng 10/2017 sẽ báo cáo Bộ GTVT về việc rà soát, giám phí tại 50 trạm theo kế hoạch cả phương án giảm phí chung và đối với vùng ảnh hưởng”, ông Huyện cho hay.


 

Lãnh đạo Bộ GTVT trả lời tại buổi họp báo.
Lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải trả lời tại buổi họp báo.



Liên quan đến các trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng-Trưởng ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (PPP) Bộ GTVT cho biết, hiện nay có 88 trạm thu phí BOT trên đường bộ, trong đó, Bộ Giao thông-Vận tải quản lý 73 trạm, các địa phương quản lý 15 trạm.

Có 58 trạm có khoảng cách giữa hai trạm lớn hơn 70km, 10 trạm khoảng cách từ 60-70 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án. Hiện nay đã quyết toán đối với 54 dự án BOT, trong đó phần chi phí xây dựng giảm so với dự toán được Bộ Giao thông-Vận tải tính toán theo hướng giảm phí cho người dân sống xung quanh trạm, nếu còn dư địa thì giảm phí cho phương tiện chung.

Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, việc triển khai dự án BOT là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhưng vấn đề quản lý và tổ chức thực hiện vẫn còn bất cập, do hình thức đầu tư mới,  đặc biệt là hợp đồng mẫu chưa có, chưa bao quát được vấn đề, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ…

Tính khả thi của dự án BOT cơ bản được xem xét kỹ nhưng vẫn còn một số dự án chưa được đánh giá kỹ về tác động xã hội; các đơn vị tư vấn tính toán chưa đúng một số định mức đơn giá.

“Bộ Giao thông-Vận tải có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về việc hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư BOT; tổ chức thực hiện của ngành giao thông phải tốt hơn và quy định trách nhiệm rõ ràng. Hiện nay, chủ trương với các dự án BOT là xây dựng tuyến mới, không thực hiện trên tuyến đường đã có sẵn”-Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về tiến độ hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kế hoạch chạy thử vào tháng 10-2017 sẽ không đạt được.

Bộ Giao thông-Vận tải cùng với đơn vị tổng thầu rà soát chi tiết để báo cáo Chính phủ. Vướng mắc hiện nay là hạng mục xây lắp còn lại 5% nhưng phụ thuộc nhiều vào thiết bị, trong khi việc giải ngân vốn bổ sung 250 triệu USD theo hiệp định đã ký kết với Trung Quốc đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Thời gian chậm của dự án phụ thuộc vào việc giải ngân vốn. Đối với việc có tàu chạy thử vào sáng 28-9, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đây không phải là công tác chạy thử mà chỉ thử nghiệm đường ray.

Phi Long (VOV)

Có thể bạn quan tâm