Kinh tế

Giá cả thị trường

Sẽ thêm thiếu điện nếu điện mặt trời phải đấu thầu ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chính phủ chính thức giao Bộ Công thương nghiên cứu cơ chế đấu giá các dự án điện mặt trời. Nhiều chủ đầu tư lo dự án kéo dài, trong khi khả năng thiếu điện đã ở trước mắt.
 
Một dự án điện mặt trời phía Nam đang gấp rút hoàn thành - Ảnh: N.AN
Nhiều chuyên gia ủng hộ phải đấu giá các dự án điện mặt trời bởi nếu không, cuối cùng sẽ đẩy vào giá điện và người dân phải chịu.
Nhưng cơ chế đấu giá thế nào, có thuận lợi hay không còn phải chờ Bộ Công thương trình văn bản.
Lo dự án kéo dài
Cuộc họp của Chính phủ mới đây về phát triển điện mặt trời đã yêu cầu Bộ Công thương phải nghiên cứu cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi Chính phủ ban hành văn bản kết luận trên, một nhà đầu tư thuộc quỹ đầu tư về năng lượng tái tạo có vốn đến từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết kể từ sau khi quyết định 11, trong đó giá điện mặt trời được ấn định giá FIT (giá cố định) 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng/kWh) hết hiệu lực, văn phòng của các nhà đầu tư hoạt động cầm chừng chờ chính sách mới. Không ít quỹ đầu tư đã "âm thầm" rút bởi không biết bao giờ mới có chính sách mới.
"Mỗi dự án có một chi phí đầu tư khác nhau. Nếu làm theo hình thức đấu thầu, nhà đầu tư sẽ lo ngại hơn vì điều kiện thực hiện chưa đầy đủ, có thể sẽ kéo dài" - vị này cho hay.
 
Lắp đặt điện mặt trời - Ảnh: TTO
Chủ doanh nghiệp T. (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh dự án đấu thầu chỉ được thực hiện khi đã có dự án, có mặt bằng sạch... Nhiều dự án điện mặt trời thời gian qua thực hiện ở các địa phương khó khăn, đất đai cằn cỗi, khó có đủ ngân sách để "làm sạch" hạ tầng.
Trước nay, các dự án điện mặt trời có thể hoàn thành chỉ 3-9 tháng. Nếu khâu đấu thầu kéo dài đến 1-2 năm sẽ gây tâm lý chán nản của nhà đầu tư... trong khi nguy cơ thiếu điện đã được xác nhận trên diễn đàn Quốc hội.
Bộ Công thương nói gì?
Thông tin cho Tuổi Trẻ sau khi Văn phòng Chính phủ phát đi kết luận của Thủ tướng, một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Công thương cho biết tính đến cuối năm 2018, bộ này nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch của UBND các tỉnh tới 360 dự án điện mặt trời, công suất khoảng 24.000 MW (Nhà máy thủy điện Hòa Bình công suất chỉ 1.920 MW).
Bộ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW. Trong số này, tính đến hết tháng 6-2019 đã có 89 dự án điện mặt trời quy mô lớn vận hành thương mại, bổ sung 7-9 tỉ kWh mỗi năm, giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao.
Về cơ chế đấu thầu, Bộ Công thương cho biết hiện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang hỗ trợ Bộ Công thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời. Theo đó, tư vấn quốc tế của WB đã hoàn thành 2 báo cáo về lộ trình thực hiện đấu thầu và cơ chế đấu thầu với 2 hình thức.
"Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có kết quả đấu thầu với giá bán điện thấp, Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...
Bộ Công thương đang nghiên cứu các đề xuất này, xem có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý không, khả năng áp dụng thực tế... để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất" - vị cán bộ của Bộ Công thương khẳng định.
Giảm chi phí, nhưng lo thiếu điện
Không ngoài dự đoán, đại diện EVN cho rằng việc đấu thầu giá điện mặt trời là giải pháp tốt để tối ưu hóa chi phí.
Tuy nhiên, vị này cũng lo lắng bối cảnh hiện nay cân đối cung - cầu điện khó khăn, nên việc phát triển nguồn điện mới là yêu cầu cấp bách. Ở thời điểm hiện tại, nếu tổ chức đấu thầu có thể dẫn tới thời gian thủ tục kéo dài hơn. "Vì vậy, từ nay đến năm 2021 nếu tổ chức đấu thầu chỉ nên thí điểm ở một số dự án. Áp dụng phổ biến đấu thầu giá bán điện mặt trời nên được thực hiện từ sau năm 2021" - vị này nói.
Cần bổ sung lượng lớn điện mặt trời...

Bộ Công thương cho hay theo kết quả tính toán sơ bộ, trường hợp năm khô hạn, để đảm bảo cân đối cung cầu giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung khoảng 6.300 MW điện mặt trời và 1.200 MW điện gió, nâng tổng công suất đến năm 2023 khoảng 16.900 MW với điện mặt trời (chiếm 15,2% tổng công suất nguồn điện) và khoảng 6.000 MW điện gió (chiếm 5,6% tổng công suất nguồn). Nếu một số nhiệt điện than chậm tiến độ, nhu cầu còn lớn hơn...

TS Đoàn Văn Bình - viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN) - cho rằng xây dựng nhà máy điện mặt trời mất 3-6 tháng là xong, nhưng xây dựng lưới truyền tải mất 3-5 năm.
Cơ chế đấu thầu hoàn toàn có thể triển khai được, song ông Bình cho rằng từng địa phương phải tính toán được nhu cầu điện tại chỗ, bao nhiêu cần phải truyền tải đi, từ đó xây dựng cơ chế liên kết. Các nhà đầu tư ngồi với nhau phân bổ vốn đầu tư vào phân đoạn dự án... để đẩy nhanh tiến độ.
Phân tích một dự án điện mặt trời của Campuchia đấu thầu mua điện thành công ở mức giá chỉ 3,877 cent/kWh (chưa tới một nửa mức giá của VN đưa ra trước tháng 7-2019 là 9,35 cent/kWh), một nguyên cán bộ ngành điện cho hay để có mức giá này, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi: không phải đầu tư hệ thống truyền tải, trạm điện, không phải giải phóng mặt bằng, được vay vốn lãi suất chỉ khoảng 2,5%/năm (tương đương lãi suất 5,5% bằng VND) và được ADB hỗ trợ 3 triệu USD. 
Trong khi đó, tại VN, nếu tính thêm chi phí phát triển dự án, chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí vốn ở mức 10-11%/năm thì giá sẽ lên mức trên 6 cent/kWh - vẫn thấp hơn mức giá FIT 7,09 cent/kWh Bộ Công thương đề xuất trước đó.
Vì vậy, theo vị cán bộ này, đấu thầu giá bán điện mặt trời là cần thiết, hàng chục quốc gia đã làm. Nhưng vấn đề là làm chính sách không được khiến đấu thầu thành "cái bẫy" kéo quá dài thời gian thực hiện dự án, tăng nguy cơ thiếu điện tại VN.
Vẫn ưu tiên điện mặt trời trên mái nhà
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã nhấn mạnh nguyên tắc: tiếp tục ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời trên mái nhà với ưu điểm không yêu cầu diện tích chiếm đất và đầu tư lưới điện truyền tải kết nối; phát triển điện mặt trời phải cân nhắc tính toán dài hạn, quy mô hợp lý gắn với bảo vệ môi trường, tránh phát triển ồ ạt gây tác động lớn đến giá thành sản xuất điện toàn hệ thống điện, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.

"Tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm..." - văn bản nói và nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là với dự án mới sẽ chuyển hẳn sang đấu thầu công khai để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì khẩn trương rà soát, thống nhất biểu giá áp dụng với điện mặt trời trên mái nhà...

Ngọc An (TTO)

Có thể bạn quan tâm