Kinh tế

Giá cả thị trường

Siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa qua mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa trên mạng internet đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, đòi hỏi ngành chức năng cần có những chế tài chặt chẽ.
Coi chừng hàng giả, hàng kém chất lượng
Tuy không quá sôi động như các thành phố lớn, song hoạt động thương mại điện tử, trong đó kinh doanh hàng hóa trên mạng internet (online) tại tỉnh ta cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng nói là, việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý đối với loại hình kinh doanh này gặp nhiều khó khăn do đặc điểm khác biệt như: không đăng ký kinh doanh, tên, địa chỉ cơ sở kinh doanh cụ thể; gian hàng kinh doanh trên mạng internet là không gian ảo, hàng hóa được đưa lên bán gần như không được kiểm soát. Hiện nay, ngoài một số sàn giao dịch lớn được cấp phép như: Lazada, Sendo, Tiki, Shopee, Hotdeal… thị trường online chủ yếu là các trang bán hàng online nhỏ của các doanh nghiệp hoặc đơn giản chỉ là các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo…
Cán bộ Quản lý Thị trường tập huấn kỹ năng phân biệt hàng thật và hàng giả mạo thương hiệu. Ảnh: D.Q
Cán bộ Quản lý Thị trường tập huấn kỹ năng phân biệt hàng thật và hàng giả mạo thương hiệu. Ảnh: D.Q
Ấm ức vì mua phải đôi giày giả mạo nhãn hiệu Nike với giá cả triệu đồng trên một trang bán hàng online, anh Nguyễn Thành Hưng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Dù rất cẩn thận khi mua hàng online vậy mà mình vẫn bị lừa. Giày đi được vài hôm đã hỏng, lúc phát hiện hàng dỏm thì đã muộn”. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Vân (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) còn oái ăm hơn. Chị Vân bức xúc: “Tôi đặt mua 3 đôi giày thể thao (giá 350 ngàn đồng/đôi) từ 1 tài khoản bán hàng trên Facebook. Khi xem mẫu quảng cáo, tôi thấy khá đẹp và vừa ý, lúc nhận hàng thì lại chẳng giống ai: 1 đôi khác hẳn mẫu tôi đặt, 2 đôi còn lại là 4 chiếc “cọc cạch”. Bực mình, tôi gọi điện cho chủ tài khoản bán hàng. Ban đầu, họ bảo gửi nhầm nhưng sau nhiều lần gọi thì không bắt máy luôn. Vận đơn tôi vẫn còn giữ đây”.
Tương tự, chị Lê Thị Thu Hằng (đường Vạn Kiếp, TP. Pleiku) cũng bị 1 trang bán hàng online “phỉnh” bởi chiêu giảm giá khi mua chiếc máy sấy tóc với giá 200 ngàn đồng. “Tưởng mua được hàng khuyến mãi giá rẻ, ai ngờ khi nhận lại là chiếc máy sấy tóc nhỏ xíu, giống hệt đồ chơi trẻ em”-chị Hằng cho biết. Thực tế, không ít khách hàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng vì ngại đổi trả hoặc khi phát hiện thì tài khoản bán hàng đã khóa nên đành ngậm ngùi cho qua, không biết kêu ai.
Siết chặt quản lý
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra mặt hàng hóa trên thị trường. Ảnh: D.Q
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra mặt hàng hóa trên thị trường. Ảnh: D.Q
Theo ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, ngành Công thương đã triển khai rất nhiều giải pháp như: đào tạo cán bộ thanh tra, tập huấn cho các chủ sàn giao dịch để không bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn online. Đặc biệt, nhiều quy định mới cũng được bổ sung, chế tài cũng “mạnh tay” hơn. Chẳng hạn, trước đây khi vi phạm, các trang bán hàng online chỉ bị gỡ bỏ, nhưng hiện nay theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải loại bỏ ra khỏi website những hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khi có phản ánh xác thực. Trường hợp bán hàng giả đã được chứng thực mà chủ sàn không gỡ thì cá nhân sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng và doanh nghiệp sẽ bị phạt 40-60 triệu đồng. Ngoài ra, đối với các sản phẩm cấm kinh doanh như: rượu, thuốc lá, động vật sống... chủ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải gỡ bỏ theo quy định pháp luật.
Theo Bộ Công thương, năm 2014, cả nước xử lý hơn 100 vụ vi phạm thương mại điện tử, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Năm 2016, có hơn 40 ngàn trường hợp bán hàng vi phạm chất lượng bị yêu cầu gỡ bỏ ra khỏi các sàn giao dịch online. Năm 2017, cả nước có hơn 180 trường hợp vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng.

Tuy vậy, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn bởi nguồn lợi mang lại rất lớn, nhất là đối với những tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội. Nhiều chủ tài khoản không thành lập cơ sở, đăng ký cửa hàng kinh doanh online mà chỉ tạo một tài khoản ảo giới thiệu hàng rồi bán lén lút, bán ở nhà, khi có người đặt hàng thì giao hàng trực tiếp cho khách. Điều này gây khó khăn cho lực lượng Quản lý Thị trường khi tiến hành kiểm tra. Hơn nữa, hàng hóa kinh doanh online thường có số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu giới thiệu qua mạng, khi có khách đặt hàng mới lấy hàng ở nơi khác để giao nên rất khó theo dõi, kiểm tra và xử lý.
Cũng theo ông Lê Hồng Hà, vừa qua, Chi cục Quản lý Thị trường đã thành lập đoàn thanh tra về hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu đã phát hiện một số sai phạm liên quan trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng online. Cụ thể, ngày 28-5-2018, Chi cục đã lập biên bản xử phạt 30 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Thanh (TP. Pleiku) vì đã thiết lập website bán hàng điện tử nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đoàn thanh tra đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra các sàn giao dịch, website bán hàng hoạt động trên địa bàn, nhất là các đối tượng bán hàng online trên mạng xã hội Facebook, Zalo…
“Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ báo cáo đơn vị có thẩm quyền, trước mắt có thể yêu cầu khóa tài khoản. Đồng thời, người tiêu dùng nên lựa chọn những sàn giao dịch uy tín để mua hàng. Nếu trường hợp phát hiện và nghi ngờ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng thì báo về cơ quan Quản lý Thị trường để phối hợp xử lý”-ông Hà khuyến cáo.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm