Bạn đọc

Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Song thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Giống cây trồng; khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

 

Các vườn ươm giống cây trồng mọc lên nhan nhản dọc quốc lộ 14. Ảnh: L.N
Các vườn ươm giống cây trồng mọc lên nhan nhản dọc quốc lộ 14. Ảnh: L.N

Bên cạnh đó, niêm yết công khai những nội dung vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; rà soát, thông báo cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chưa đăng ký kinh doanh cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý, tiêu hủy các lô giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành tiêu chí bình tuyển cây đầu dòng đối với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả lâu năm, ban hành tiêu chí vườn ươm cây giống, tiêu chuẩn cây giống xuất vườn cho từng loại cây trồng, quy trình chứng nhận vườn ươm giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; tăng cường tái kiểm tra đối với các cơ sở đạt loại C và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở không đủ điều kiện…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và đã thanh tra 62 cơ sở tại các huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah và TP. Pleiku. Ngoài ra, UBND các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Kbang, Ia Grai, Kông Chro, Krông Pa, thị xã An Khê và Ayun Pa cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn. Theo đó, trong 120 cơ sở mà các đoàn đã kiểm tra thì có 13 cơ sở vắng chủ hoặc không hợp tác với đoàn kiểm tra, 100 cơ sở vi phạm và chỉ có 7 cơ sở không vi phạm.

Các cơ sở vi phạm với các hành vi như: không đáp ứng điều kiện thực hiện ghi nhãn, không công bố tiêu chuẩn xuất vườn đối với cây giống xuất vườn; không đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc vật liệu nhân giống lấy từ cây đầu dòng hay vườn cây đầu dòng được cấp có thẩm quyền công nhận; không thực hiện lưu giữ hồ sơ, ghi chép đầy đủ các thông tin về cây trồng sản xuất; không có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật trở lên... Qua đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt 3 cơ sở gồm Nguyễn Thiện Hoài (212 Quang Trung, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), Nguyễn Bình Trọng (tổ 2, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), Nguyễn Văn Sáu (thôn Ia Lâm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) với số tiền 5,5 triệu đồng về hành vi thiếu các chỉ tiêu bắt buộc trên nhãn mác. Đồng thời, lập biên bản yêu cầu cơ sở Nguyễn Văn Sáu ngừng kinh doanh 3 loại cây ăn quả chiết ghép; nhắc nhở 82 cơ sở khác.

Sau đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thành lập đoàn phúc tra liên ngành kiểm tra lại các cơ sở đã kiểm tra trước đó. Cụ thể, đoàn đã phúc tra 62 cơ sở (31 cơ sở vắng mặt tại thời điểm phúc tra). Kết quả vẫn còn 16/29 cơ sở không đáp ứng được các điều kiện về giấy tờ chứng minh nguồn gốc vật liệu nhân giống, không có quy trình sản xuất, không thực hiện ghi nhãn mác... Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Trong năm 2017, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Chúng tôi đã thành lập tổ thẩm định công nhận vườn ươm cà phê đầu dòng; xây dựng, ban hành tiêu chí vườn ươm cây giống, tiêu chuẩn cây giống xuất vườn cho từng loại cây trồng và quy trình chứng nhận vườn ươm giống cây trồng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra cho thấy, phần lớn cơ quan chuyên môn tại các tỉnh cung cấp hạt giống chưa chứng nhận được cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng  hoạt động nhỏ lẻ, gieo ươm bán thời vụ nên nhận thức về các quy định của pháp luật còn hạn chế.

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh có 363 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, 145 cơ sở có giấy phép kinh doanh, 218 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

“Để quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, UBND tỉnh đã giao và gắn trách nhiệm cho từng ngành, từng địa phương. Ngay sau đợt phúc tra này, Sở sẽ giao cho các địa phương mời tất cả các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn lên để phổ biến, quán triệt, hướng dẫn quy trình sản xuất và ký cam kết sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Đồng thời, chính quyền địa phương phải quản lý tốt các đối tượng buôn bán giống cây trồng không có địa điểm cố định, buôn bán dạo...”-ông Uyển cho biết.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm