Kinh tế

Tài chính

Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngay từ đầu năm 2021, ngành Thuế tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp rà soát các nguồn thu từ hoạt động này để làm cơ sở tính thuế.

Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử trở thành sự lựa chọn tối ưu của hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân.

Chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh sản phẩm cà phê Thảo Hiên đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nếu mình không nhanh nhạy với các hoạt động thương mại điện tử thì sản phẩm không thể vươn xa được. Không chỉ tiếp cận khách hàng trực tiếp qua hệ thống cửa hàng, siêu thị, tôi còn đẩy mạnh các hình thức kinh doanh trực tuyến trên các website điện tử, Facebook, Zalo. Tôi cũng gương mẫu thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước dù kinh doanh dưới hình thức nào. Điều quan trọng là tạo được uy tín đối với khách hàng”.

Cơ quan Thuế hiện quản lý gần 23.400 hộ cá nhân kinh doanh trên sổ bộ. Ảnh: Sơn Ca


Chị Đoàn Thị Thúy (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) bày tỏ quan điểm: Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng đổi mới liên tục thì người kinh doanh cũng phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng. Thực tế hiện nay, hiệu quả kinh doanh qua sàn thương mại điện tử và các ứng dụng xã hội như Facebook, Zalo chiếm gần 50% doanh số. Kinh doanh thì quyền lợi, trách nhiệm luôn gắn với nghĩa vụ là điều phải xác định rõ.

“Gia đình tôi đang quản lý tới 3 mô hình kinh doanh là hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nên tất cả đều được hạch toán minh bạch, rõ ràng, nhất là việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước luôn đầy đủ hàng tháng, hàng quý”-chị Thúy cho hay.   

Trên thực tế, không phải cá nhân nào cũng nhận thức đầy đủ việc tuân thủ pháp luật về thuế khi có hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội. Toàn tỉnh hiện có gần 23.400 hộ cá nhân kinh doanh đang được cơ quan Thuế quản lý trên sổ bộ góp cho ngân sách nhà nước khoảng 4%/tổng thu nội địa. So với các tỉnh, thành phố khác, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng tại Gia Lai vẫn còn khá khiêm tốn, quy mô nhỏ lẻ.

Ông Đào Ngọc Quang-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro-cho biết: “Thông qua việc nắm bắt, sàng lọc thông tin về các trường hợp có hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, bước đầu Chi cục đã mời một số chủ thể lên làm việc, động viên, tuyên truyền, hướng dẫn kê khai thuế. Đặc thù địa bàn thị xã An Khê, huyện Đak Pơ và Kông Chro hoạt động thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng không lớn, đa phần là các trường hợp cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ lẻ, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm nên không phải chịu thuế”.

Còn ông Nguyễn Quang Phương-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa chia sẻ: “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội thì cần sự phối hợp cung cấp thông tin từ các đơn vị đầu mối như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Ngân hàng, Bưu điện. Từ đây, cơ quan Thuế mới có thông tin giao dịch đầu vào, nguồn tiền, doanh thu có ở ngưỡng chịu thuế hay không”.

Để có căn cứ tính thuế đối với các hoạt động kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, cơ quan Thuế phải truy vết được đầu vào. Thực hiện Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Cục Thuế tỉnh đã có văn bản gửi Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, đề nghị các ngân hàng thương mại phối hợp cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm