Phóng sự - Ký sự

Sinh kế sau bão lũ: Dựng lại làng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắng lên từ phía bên kia ngọn núi, kéo theo bao niềm hy vọng mới đối với những người dân may mắn thoát nạn trong thảm họa núi đè vùng cao Quảng Nam. Họ nén nỗi đau, rục rịch rời làng đi tìm cuộc sống mới...

Lực lượng chức năng dựng nhà tạm cho người dân ngay trước khuôn viên Trường mầm non Trà Leng
Lực lượng chức năng dựng nhà tạm cho người dân ngay trước khuôn viên Trường mầm non Trà Leng
“Giờ chỉ còn biết chắp tay lạy về phía núi”
Con đường dẫn vào làng vẫn ngổn ngang bùn đất. Chúng tôi trở lại Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) sau gần 1 tháng xảy ra thảm họa sạt lở núi đè ập xuống làng. Đánh vật với quãng đường dài trơn trượt, không biết bao nhiêu lần trượt ngã, chúng tôi mới vào đến nóc Ông Đề. Ngôi làng vốn yên bình bao đời đã bị xóa sổ sau vụ sạt lở núi vào chiều 28.10 khiến 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 9 người chết, 13 người vẫn còn mất tích.
Sau ngày núi lở, ngày nào già làng Hồ Văn Đề cũng túc trực nơi hiện trường để theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm những người dân còn mất tích. Lở núi đã cướp đi sinh mạng 8 người thân của già Đề. “Ngôi mộ ở giữa là nơi con gái bố nằm. Người thân bố mất hết rồi, giờ không còn ai nữa...”, già Đề chỉ về 3 ngôi mộ được lập vội cách nhà cũ khoảng 100 m, giọng run run.
Già Đề cũng như hàng chục người dân khác của nóc Ông Đề đang phải chen chúc nhau tá túc trong 2 căn phòng nhỏ của điểm Trường mầm non xã Trà Leng, cách làng 200 m. “Những ai còn sống sót đều đang ở đây. Giờ chỉ còn biết chắp tay lạy về phía núi, khẩn cầu mong mẹ rừng sớm đưa những người mất tích về với người thân. Người làng trông mong họ lắm rồi!”, già Đề nói.
Nhưng không chỉ có nỗi khao khát tìm người mất tích. Dân làng ở nóc Ông Đề mong nhà nước sớm bố trí nơi ở mới. Phía nam, dân làng ở thôn Ra Pân (xã Sơn Long, H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) muốn sớm tái định cư vì “không ai dám quay về xóm cũ”, còn ở nóc Ông Đề này có khác chút ít. “Người dân cần có nơi ở mới lắm rồi! Không thể chen chúc nhau sống mãi thế này được”, già Đề hướng mắt về phía những đứa trẻ đang vô tư chơi đùa, giọng trầm xuống.

Làng Tăk Pát bị lũ quét xóa sổ
Làng Tăk Pát bị lũ quét xóa sổ
Vừa trở về khi tham gia cùng lực lượng chức năng tìm kiếm tung tích các nạn nhân, anh Hồ Văn Đông (31 tuổi) chỉ biết nằm gục xuống bởi quá mệt mỏi sau những ngày dài đánh vật với bùn đất. Vợ và con gái 8 tháng tuổi của anh vẫn đang mất tích. “Còn gì nữa đâu. Vợ con nằm dưới lòng sông lạnh, không biết khi nào mới được yên nghỉ...”, giọng anh chất chứa nỗi đau.
Không chỉ nóc Ông Đề mà nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân, H.Nam Trà My) cũng xảy ra vụ sạt lở núi vào chiều 28.10, khiến 8 người tử vong. Hiện hàng chục hộ dân vẫn đang tá túc trong những căn nhà tạm. Cũng khoảng thời gian này năm 2017, xã Trà Vân đã từng chứng kiến cảnh tương tự. Khi đó, con số thương vong còn ít, nhưng đã quá đau thương. Nay, một lần nữa đất trời đổ xuống, và con số còn khủng khiếp hơn nhiều. Ngay sau đó, chính quyền UBND H.Nam Trà My đã có một cuộc “di dân lịch sử” di dời hàng trăm hộ đến làng mới Khe Chữ.
“Ở tạm được ngày nào hay ngày đó”
Cách nóc Ông Đề khoảng 2 km là làng Tăk Pát (thôn 2). Ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Xoan. Tăk Pát từng là ngôi làng đông vui, nhưng bây giờ chỉ còn lại một đống hoang tàn... Khuất sau màn mưa là những túp lều tạm, mọc lên giữa những ngôi nhà gỗ ở làng bên cạnh. Không đi rẫy, người dân chỉ biết ngồi trong lều nhìn ra... Nhiều đoàn cứu trợ đã kịp tìm đến với họ. Có chăn màn, quần áo, thức ăn đủ để không lo đói, lo rét. Nhưng làm sao có thể không buồn?
Anh Hồ Văn Dương (làng Tăk Pát) bảo cứ ở tạm được ngày nào hay ngày đó, bởi nếu không thì cũng chẳng biết đi đâu. Nhà cửa, tài sản đều đã nằm dưới lòng sông Xoan. Gia đình anh Dương 8 người, 3 thế hệ chen chúc nhau trong căn lều tạm chật hẹp mà bộ đội vừa dựng lên. “Người lớn tụi mình khổ quen rồi còn chịu được, chớ mấy đứa nhỏ cũng phải khổ theo, tội lắm. Mong rằng nhà nước sớm bố trí tái định cư để người dân có nhà ở, còn ổn định cuộc sống lâu dài nữa. Nhà tạm dựng lên trên phần đất mượn của người khác, không biết người ta sẽ lấy đất lại khi nào”, anh Dương ngậm ngùi.

Những căn nhà tạm được dựng lên cho người dân mất nhà sau lũ quét ở làng Tăk Pát ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Những căn nhà tạm được dựng lên cho người dân mất nhà sau lũ quét ở làng Tăk Pát ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Nhà mất sau trận lũ quét, vợ chồng anh Hồ Văn Quang phải tận dụng mảnh đất rộng khoảng 2 m2 ngay sát con đường bê tông dẫn về cuối làng Tăk Pát dựng nhà ở tạm. Nói là “nhà”, thực chất chỉ là một túp lều dựng lên bằng tấm tôn bọc quanh và mấy thanh gỗ keo chống tứ phía. “Chẳng còn gì từ ngôi nhà, của cải cho đến ruộng, vườn... Giờ hỏi bọn mình bắt đầu lại từ đâu thì đúng là chẳng biết. Mấy bộ đồ mặc trên người cũng là người ta cho...”, anh Quang thở dài.
Người dân Tăk Pát hằng ngày vẫn ra bờ sông Xoan nhặt nhạnh từng cái xoong, cái chén... còn sót lại sau trận lũ quét. Khó khăn đang chưa thể vơi đi.
Loay hoay bài toán dựng làng
Ở vùng đồi núi phía tây bắc Quảng Nam, căn nhà cấp 4 mới dựng xong và kịp dọn về ở được 10 ngày của gia đình anh Hồ Văn Minh (xã Phước Thành, H.Phước Sơn) giờ chỉ còn là bãi đất trống. Mọi tài sản trong tích tắc đã bị cuốn trôi. Nhưng câu hỏi khó mà vợ chồng anh Minh đang phải đối mặt là đến bao giờ mới dựng lại nhà mới, và làm ở đâu. “Lâu nay cái ăn đã thiếu. Nhà giờ cũng chẳng còn”, anh Minh trăn trở.
Có lẽ đó cũng là nỗi trăn trở thường trực của hàng trăm người dân vùng sạt lở Nam Trà My và Phước Sơn. Trải qua hàng loạt trận sạt lở núi, lũ quét, người dân thiếu hụt đất để sản xuất. Tưởng ở rừng thì đất rộng người thưa, nhưng giờ để có quỹ đất làm nhà tái định cư trong tình trạng sạt lở núi luôn “chực chờ” lại là một câu chuyện dài. Cuộc sống của đồng bào vùng cao đã nghèo, thiếu thốn nay lại thêm họa thiên tai khủng khiếp, không biết rồi mai sẽ bám víu vào đâu.

Bên trong túp lều của vợ chồng anh Hồ Văn Quang
Bên trong túp lều của vợ chồng anh Hồ Văn Quang
“Hơn 40 hộ dân với khoảng 200 người bị mất nhà sau lũ quét và sạt lở của địa phương đang phải dựng nhà tạm ngay trong khuôn viên của trụ sở UBND xã bằng những tấm bạt, cây tre nứa để tránh trú hằng ngày. Cuộc sống của họ dường như đang vô định”, ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (H.Phước Sơn), trải lòng.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết ngoài huy động lực lượng tại chỗ, những ngày qua dân quân các xã đã phối hợp với nhau hỗ trợ, tìm quỹ đất để xây dựng những căn nhà tạm cho các hộ dân mất nhà sau lũ quét và sạt lở núi. Đã có 19 căn nhà tạm ở Trà Leng và 16 căn ở Trà Vân được dựng lên. “Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng làng mới là quỹ đất. Việc để lập được làng mới, địa phương phải trưng cầu ý kiến của người dân trước đã, bởi liên quan đến phong tục, tập quán của họ nữa”, ông Mẫn nói.
(còn tiếp)
Sớm triển khai xây làng mới để người dân ổn định cuộc sống
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết để xây dựng một làng mới không thể một sớm một chiều. Kinh phí cũng rất tốn kém, nguồn lực có hạn nên địa phương đang cố gắng vận động các nhà hảo tâm. Chính phủ hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà, trong khi để xây dựng một căn nhà bây giờ phải mất từ 200 - 300 triệu đồng, chưa nói đến kết cấu hạ tầng.
“Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng làng mới ở địa phận xã Trà Dơn, cách xã Trà Leng một cây cầu trên phần diện tích khoảng 7 ha và sẽ đưa hơn 100 hộ dân nóc Ông Đề và làng Tăk Pát về đấy. Mỗi hộ gia đình sẽ được cấp từ 200 - 250 m2 đất. Vì ngoài nhà, phải có cái vườn để họ chăn nuôi, sản xuất... Trước mắt, bà con vẫn phải sống trong lều tạm, chúng tôi đang sớm triển khai xây dựng làng mới để người dân ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Mẫn thông tin.
Theo Mạnh Cường (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm