Đề tài này đạt giải vàng tại cuộc thi "Thiết kế, chế tạo ứng dụng" năm 2024, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Nhóm nghiên cứu gồm: Nguyễn Bùi Anh Duy (trưởng nhóm), Nguyễn Thanh Huy, Bùi Phương Đông, Võ Thùy Dương, Tống Quỳnh Giang. Các bạn là sinh viên ngành công nghệ vật liệu của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Anh Duy cho biết nhóm nhận thấy tùy vào nhu cầu và đề tài học tập, nghiên cứu, sinh viên sử dụng máy khuấy trộn hóa chất có những chức năng khác nhau. Việc này không những đòi hỏi phòng thí nghiệm của trường trang bị số lượng lớn máy móc mà còn đa dạng các loại, như: khuấy cơ đũa hay khuấy từ gia nhiệt. Để đáp ứng nhu cầu trên sẽ tốn kém rất nhiều chi phí mua vật tư, thiết bị, tiêu tốn năng lượng và chiếm diện tích phòng thí nghiệm.
Các thành viên của nhóm. Ảnh: PHÚC KHA |
"Từ những vấn đề trên, nhóm đã thiết kế máy khuấy trộn hóa chất có thể điều chỉnh tốc độ từ chậm cho đến nhanh và phù hợp với yêu cầu cụ thể của người sử dụng. Điều này, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm giúp sinh viên giải quyết được vấn đề thiếu thiết bị, an toàn trong thực nghiệm khi có sự cố phát sinh", Anh Duy nói.
Sau quá trình nghiên cứu và sáng chế ra phiên bản V1 nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, từ năm 2023, nhóm thảo luận đưa ra phương án phát triển nhằm nâng cấp V1 thành phiên bản V2 tối ưu hơn, nhiều chức năng hiện đại, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Theo Anh Duy, với tính năng thiết lập thời gian, tốc độ khuấy theo nhu cầu sử dụng, phiên bản V2 cho phép người dùng linh hoạt cài đặt thời gian và tốc độ khác nhau. Ngoài ra, người sử dụng có thể linh hoạt tùy chỉnh tốc độ nhanh hay chậm khi máy đang hoạt động. Việc di chuyển linh hoạt cánh khuấy lên hoặc xuống bằng bộ điều khiển sẽ giúp người sử dụng thao tác dễ dàng hơn so với phương pháp thủ công để nâng hạ.
Hệ thống khuấy cơ đũa đa năng. Ảnh: PHÚC KHA |
Đối với tính năng thiết lập chế độ dừng và hoạt động, Phương Đông cho biết người sử dụng có thể thiết lập giá trị nhiệt độ tiêu chuẩn thông qua nút cài đặt và sản phẩm còn thiết lập tính năng dừng khẩn cấp rất hiệu quả khi có bất kỳ sự cố xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh, giảng viên Khoa Khoa học ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: "Các bạn thiết kế máy khuấy cơ đũa sử dụng trong phòng thí nghiệm để cho sinh viên, thầy cô thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện tại, nhóm cùng thầy cô tại trường đang phát triển thiết kế lên phiên bản V3 để hoàn thiện các tính năng như đế gia nhiệt, hệ chắn bảo vệ không cho người điều khiển chạm vào bộ phận chuyển động của máy khuấy, trang bị hệ thống IoT để người sử dụng có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh. Từ đó đưa ra sản xuất thương mại phục vụ phòng thí nghiệm ở các trường, xưởng sản xuất của doanh nghiệp mỹ phẩm".