Xã hội

Đời sống

Siu Dyuăk: Hòa giải viên uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần 10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Siu Dyuăk-người có uy tín ở thôn 5 (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) đã giúp người dân trên địa bàn hóa giải nhiều mâu thuẫn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Gần 6 giờ tối, ông Dyuăk mới lùa đàn bò trở về nhà. Ngại vì để chúng tôi đợi lâu, ông phân trần: “Do đàn bò hơn 20 con, tôi phải đi xa mới có chỗ chăn thả nên về muộn”.

Ông Dyuăk kể, trước khi được bầu làm người có uy tín vào cuối năm 2021, ông đã có 1 năm làm phó trưởng thôn và 7 năm làm trưởng thôn. Thời điểm đó, ông đã tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn nên có nhiều kinh nghiệm.

“Các vụ việc mâu thuẫn xảy ra chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, xích mích giữa các cặp vợ chồng, giữa bố mẹ và con cái, giữa anh em hoặc thanh niên trong làng.

Để công tác hòa giải đạt hiệu quả, tôi đều gặp gỡ các bên để nắm ngọn nguồn sự việc và tâm tư của người trong cuộc. Bên cạnh cái tình, tôi cũng áp dụng các quy định của pháp luật để phân tích cho các bên hiểu nên sự việc nào cũng thành công”-ông Dyuăk chia sẻ.

Ông Dyuăk (đứng giữa) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hương ước của thôn. Ảnh: N.H

Ông Dyuăk (đứng giữa) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hương ước của thôn. Ảnh: N.H

Dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ trong thôn, ông Dyuăk cho biết thêm: Mỗi năm, ông tham gia hòa giải 5-7 vụ, trong đó có vụ việc phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều vụ việc ông phải đến gặp gỡ đương sự vào buổi tối hoặc giữa trưa thì người dân mới ở nhà.

Đơn cử như vụ tranh chấp ranh giới đất đai giữa gia đình ông Rơ Mah Đô và bà Siu Ben. Trước năm 2005, ông Đô và bà Ben khai hoang 2 mảnh đất gần nhau. Sau khi khai hoang, bà Ben giao đất lại cho các con trồng điều. Năm 2019, bà Ben phát hiện ông Đô trồng điều lấn sang đất nhà mình nên hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xích mích kéo dài.

“Đến đầu năm 2022, khi bà Ben trình bày sự việc, tôi phải mất nhiều ngày đi tìm các nhân chứng; đồng thời làm công tác tư tưởng với 2 gia đình mới hòa giải thành công”-ông Dyuăk kể.

Còn bà Ben thì tâm sự: “Nhờ có ông Dyuăk phân tích thấu tình đạt lý nên ông Đô đã trả đất cho gia đình tôi. Từ đó đến nay, 2 gia đình sống vui vẻ, hòa thuận với nhau”.

Đặc biệt, trong những buổi hòa giải, ông Dyuăk mời thêm người dân đến dự nhằm kết hợp tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu các quy định của pháp luật và hương ước của thôn. “Mưa dầm thấm lâu”, theo thời gian, các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân trên địa bàn giảm rõ rệt. Riêng năm 2023, thôn chỉ xảy ra 1 sự việc cần ông tham gia hòa giải.

Ông Rơ Mah Lý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 5-cho hay: Thôn có 160 hộ và 100% là người Jrai. Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên trong thôn hay xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Nhờ có ông Dyuăk tích cực tham gia hòa giải mà các vụ việc mâu thuẫn được giải quyết kịp thời. Người dân từ đó đồng thuận, đoàn kết hơn.

“Ngoài tham gia hòa giải, ông Dyuăk còn tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, hương ước của thôn. Nhờ đó, người dân đã từng bước bỏ các tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống”-ông Lý nói.

Ông Trần Văn Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thăng Hưng-nhận xét: Những năm qua, ông Dyuăk đã có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở, đặc biệt là hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn ở địa phương. Mới đây, ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện khen thưởng là người uy tín tiêu biểu năm 2023.

Có thể bạn quan tâm