Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

SLang Farm: Trồng cây ăn quả theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ năm 2014 đến nay, anh Nguyễn Đức Mạnh (SN 1989, trú tại thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã từng bước chuyển đổi rẫy cà phê già cỗi thành nông trại trồng cây ăn quả mang tên SLang Farm.

Mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững và mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Vườn cam Đường Canh trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Đức Mạnh (thứ 2 từ trái sang, thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) thu hút khách tham quan, trải nghiệm (ảnh nhân vật cung cấp).

Vườn cam Đường Canh trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Đức Mạnh (thứ 2 từ trái sang, thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) thu hút khách tham quan, trải nghiệm (ảnh nhân vật cung cấp).

Nông trại của anh Nguyễn Đức Mạnh rộng hơn 2 ha, 3 mặt giáp với hồ Vĩnh Sơn B, thuận lợi cho việc lấy nước tưới cây trồng; mặt còn lại nằm trên trục đường thôn Hợp Thành, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, internet.

Dẫn chúng tôi tham quan nông trại, anh Mạnh cho biết: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, anh ở lại thành phố làm việc tại một số doanh nghiệp. Đến năm 2014, anh nảy sinh ý nghĩ về quê lập nghiệp, xây dựng nông trại. Khi trình bày nguyện vọng với gia đình, anh bị phản đối quyết liệt.

“Duy chỉ có bố tôi ủng hộ. Đây chính là động lực để tôi bỏ phố về quê làm vườn, gầy dựng nông trại SLang Farm”-anh Mạnh kể.

Với tư duy nhạy bén, sau khi nắm bắt thông tin về những loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương cho hiệu quả kinh tế cao và tìm hiểu phương thức canh tác, chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, anh Mạnh tham quan một số mô hình trồng cam, quýt trên địa bàn. Sau đó, anh phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để trồng cam Đường Canh theo hướng hữu cơ. Rồi anh tiếp tục chuyển đổi hơn 1,7 ha cà phê còn lại sang trồng cam Đường Canh và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước nhằm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả sản xuất.

“Sinh ra trong gia đình thuần nông nhưng kiến thức nông nghiệp của tôi có được chủ yếu nhờ học hỏi từ các hội nhóm trồng trọt trên mạng xã hội Facebook, Zalo và một số người có chuyên môn nông nghiệp mà tôi kết nối được trước đó”-anh Mạnh chia sẻ.

Để có nguồn thu nhập quanh năm, anh Mạnh trồng xen quýt, chanh dây, ổi, bơ, đu đủ, sầu riêng, mắc ca, rau củ vào khoảng trống cây trồng bị chết. Trong quá trình chăm sóc vườn cây, anh Mạnh nói không với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thường xuyên duy trì lớp cỏ vừa đủ để giữ ẩm cho đất, tạo điều kiện cho sinh vật có lợi phát triển. “Tuy năng suất cây trồng không cao nhưng tôi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Đó là nguồn động lực để tôi duy trì phát triển nông trại theo hướng hữu cơ vì sức khỏe của mọi người”-anh Mạnh bộc bạch.

Cũng theo anh Mạnh, tất cả quy trình sản xuất, các giai đoạn canh tác từ chuyển đổi cây trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được anh ghi lại và chia sẻ trên trang Facebook SLang Farm. Đồng thời, anh cũng đăng tải thông báo tuyển tình nguyện viên nông nghiệp.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, SLang Farm đón 1-2 lượt tình nguyện viên đến trải nghiệm, công việc chủ yếu là trồng cây, dọn cỏ, bón phân, tưới nước, chiết ghép cành. SLang Farm hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt; tạo điều kiện cho tình nguyện viên tiếp thu kiến thức làm nông nghiệp một cách thuận lợi, thoải mái nhất. Không chỉ tiếp nhận các tình nguyện viên trong và ngoài tỉnh, SLang Farm còn có tình nguyện viên nông nghiệp đến từ một số nước như: New Zealand, Bỉ, Pháp, Mỹ, Canada.

“Khi mới bắt đầu tuyển tình nguyện viên, nhất là người nước ngoài, tôi cũng băn khoăn do e ngại sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng suy đi nghĩ lại thì tôi cho rằng, những tình nguyện viên từ nước khác đến cùng lao động và sinh hoạt với gia đình mình mà họ không ngại thì chẳng có lý do gì khiến mình lo lắng cả.

Thêm vào đó, những tiến bộ của công nghệ hiện nay hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi sử dụng Google dịch trên thiết bị di động để giao tiếp khá thuận lợi. Trong quá trình làm việc với nhau, chúng tôi được giao lưu văn hóa, học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp. Tôi nghĩ đây cũng là cách để quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, ẩm thực, nông sản của địa phương với bạn bè quốc tế”-anh Mạnh bày tỏ.

Anh Nguyễn Đức Mạnh (bìa trái ở thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chủ nông trại S’Lang Farm vui vẻ trò chuyện cùng khách du lịch. Ảnh: Hà Duyệt

Anh Nguyễn Đức Mạnh (bìa trái ở thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chủ nông trại S’Lang Farm vui vẻ trò chuyện cùng khách du lịch. Ảnh: Hà Duyệt

Không chỉ tập trung xây dựng nông trại SLang Farm, anh Mạnh còn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trồng trọt theo hướng hữu cơ cho bạn bè, người dân trên địa bàn. Anh Nguyễn Duy Chuyển (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) cho hay: Gia đình anh có hơn 8 sào cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Năm 2017, anh phá bỏ cà phê chuyển sang trồng cam, quýt.

Trên cơ sở hướng dẫn từ anh Mạnh, anh đã trồng 400 cây cam Vinh và trồng xen 100 cây ổi, 50 cây quýt hồng. Vườn cây được bón phân, phòng ngừa sâu bệnh theo hướng thuận theo tự nhiên.

“Năm 2023, riêng cây cam Vinh thu hoạch được 10 tấn quả, thu nhập gần 180 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ những chia sẻ về ý tưởng, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp xanh của anh Mạnh mà tôi và các thành viên trong nhóm trồng cam VietGAP, nhóm trồng cam hữu cơ có thêm kiến thức sản xuất, trồng trọt ngày càng tốt hơn”-anh Chuyển vui vẻ nói.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang: Do sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh bền vững nên các loại nông sản của gia đình anh Nguyễn Đức Mạnh thường bán với giá cao hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao. Đơn cử như cam Đường Canh được bán với giá 30-40 ngàn đồng/kg, cao hơn 5-10 ngàn đồng/kg so với cách sản xuất thông thường. Hiện nay, anh Mạnh là trưởng nhóm trồng cam VietGAP của xã, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cam Sơn Lang ra thị trường.

“Thời gian tới, Hội sẽ tham mưu UBND xã tổ chức cho hội viên nông dân có nhu cầu tham quan, học hỏi mô hình trồng trọt của gia đình anh Mạnh; xây dựng mô hình liên kết các hộ trồng cam, quýt nói riêng, các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn xã nói chung nhằm phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang thông tin.

Có thể bạn quan tâm