(GLO)- Sáng 15-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đồng chí Mai Tiến Dũng-Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Phương Linh |
Từ tháng 9-2018 đến tháng 9-2019, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Có 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có 63 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP), 32 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia. Có 64 bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục, sở, ngành, quận, huyện). Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm gửi văn bản điện tử không kèm văn bản giấy từ ngày 9-4 đến 10-5-2019.
Từ ngày 12-3 đến 12-11-2019, có tổng số 230.398 văn bản điện tử được gửi và 627.630 văn bản điện tử được nhận giữa các cơ quan hành chính (trong đó 167.984 văn bản gửi, 434.688 văn bản nhận của cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 60.339 văn bản gửi, 191.571 văn bản nhận của cấp cục, vụ, sở, quận, huyện; 2.075 văn bản gửi, 1.371 văn bản nhận của cấp phường, xã).
Tại Hội nghị, sau khi các đại biểu đã trình bày một số tham luận, góp ý đối với việc gửi nhận văn bản điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận, làm việc hiệu quả hơn thông qua việc gửi nhận văn bản điện tử, nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới cải cách. Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ phối hợp hoàn thiện cơ sở pháp lý, nền tảng hạ tầng, nghiên cứu sử dụng thiết bị, hệ thống bảo mật an toàn đảm bảo bí mật quốc gia, … Sau Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử; thực hiện chữ ký số…
Phương Linh