Vay vốn mua nhà với hai hình thức giải ngân phong tỏa và không phong tỏa, được coi là giải pháp hỗ trợ vốn đắc lực cho cá nhân chưa đủ năng lực tài chính.
Hình thức giải ngân phong tỏa
Là hình thức giải ngân số tiền mà người mua đề nghị vay sẽ được ngân hàng giải ngân cho bên người bán. Song, dù số tiền đã được chuyển sang tài khoản của bên bán nhưng tại thời điểm này sẽ bị ngân hàng “tạm khóa”. Chỉ đến khi người mua hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên tài sản tại cơ quan có thẩm quyền, bên bán mới được phép rút ra sử dụng.
Ưu điểm:
Giải ngân phong tỏa là hình thức giải ngân an toàn với người vay vốn và ngân hàng. Bởi lẽ, trong quá trình làm thủ tục sang tên có thể xảy ra những vấn đề phát sinh như không thẩm định được hồ sơ, kê khai thuế phức tạp dẫn đến không sang tên được. Chính vì vậy, đây được coi là phương pháp chắc chắn khi sổ đỏ đứng tên là người vay.
Bên cạnh đó, trong quá trình đợi sổ đỏ sang tên cho người mua, tài khoản ngân hàng của người bán vẫn có tiền, số tiền này có thể coi như một khoản gửi ngân hàng giữ hộ. Người bán hoàn toàn có thể rút tiền mặt dùng số tiền này gửi tiết kiệm.
Nhược điểm:
Với số đông tâm lý thích tiền mặt, nên thời gian chờ đợi sang tên có thể trở thành rào cản khiến người bán không đồng ý bán nhà cho bạn. Vì vậy, bạn hãy trao đổi trước với bên bán về cách thức đặt cọc, thanh toán và cách thức giải ngân của ngân hàng trước để giao dịch có thể diễn ra một cách thuận lợi.
Đồ họa: Kim Nhung |
Giải ngân phong tỏa và giải ngân không phong tỏa là hai hình thức hỗ trợ vốn đắc lực cho những cá nhân, gia đình chưa đủ năng lực tài chính. Đồ họa: Kim Nhung
Hình thức giải ngân không phong tỏa
Ngược lại với hình thức vay vốn phong tỏa thì ở phương án vay vốn này, sau khi người mua công chứng hợp đồng mua bán xong và cung cấp cho ngân hàng, ngân hàng sẽ giải ngân số tiền mà người mua đề nghị vay sang tài khoản của bên bán. Lúc này bên bán có thể rút được số tiền đó và sử dụng ngay.
Tuy nhiên, hình thức giải ngân này lại không phổ biến và chỉ có một vài ngân hàng áp dụng cho việc vay mua nhà trả góp.
Ưu điểm:
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của hình thức giải ngân này là thuận tiện, nhanh chóng cho bên bán vì họ có thể nhận được tiền ngay lập tức mà không phải chờ đợi lâu.
Nhược điểm:
Nhược điểm của phương thức giải ngân không phong tỏa là tính rủi ro cao, cho nên nó không được khuyến khích hay áp dụng nhiều. Nếu có chỉ áp dụng với một số chi nhánh, ngân hàng và đối với khoản vay nhỏ.
KIM NHUNG (LĐO)