Kinh tế

Giá cả thị trường

Sổ tay: Chuẩn bị sử dụng xăng sinh học E5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong báo cáo trình Chính phủ về lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5, Bộ Công thương khẳng định: Từ ngày 1-1-2018, xăng E5 sẽ thay hoàn toàn xăng A92 trên cả nước. Trước đó, từ tháng 7-2017, Bộ Công thương cũng đã đưa phương án triển khai thí điểm thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, cả nước có 29 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp có trạm pha chế là PV Oil, Petrolimex và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn. Trong đó, PV Oil có 10 trạm pha chế xăng E5 đã đặt tại 7 địa phương, Petrolimex có 5 trạm tại 5 địa phương và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn có 2 trạm pha chế xăng E5.

 

Ảnh: H.P
Ảnh: H.P

Xăng sinh học E5 là loại nhiên liệu lỏng, trong đó sử dụng Ethanol như một loại phụ gia pha trộn vào xăng thay cho phụ gia chì, thân thiện với môi trường. Nguyên liệu cơ bản để sản xuất Ethanol là từ các loại cây chứa đường (mía, củ cải đường, nước thốt nốt), cây nguyên liệu chứa tinh bột (bắp, gạo, lúa mì, mì), cây nguyên liệu chứa xenlulo (các loại cây sinh trưởng nhanh cho xơ nhiều, phế phẩm nông nghiệp)... Ở Gia Lai, 2 trong các loại nguyên liệu cơ bản nói trên đã có mặt với diện tích lớn, đó là mía và mì. Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có trên 65.000 ha mì. Cây mía cũng có trên 24.000 ha, tập trung ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Nhờ diện tích vùng nguyên liệu rộng lớn nên trên địa bàn có đến 4 nhà máy chế biến mì tại các huyện: Krông Pa, Chư Prông, Mang Yang và thị xã An Khê, với tổng công suất 65.000 tấn tinh bột/năm, tương đương 325.000 tấn củ tươi. Chế biến mía có 2 nhà máy gồm Nhà máy Đường Ayun Pa với công suất 6.000 tấn mía/ngày và Nhà máy Đường An Khê với công suất 12.000 tấn mía/ngày.

Ở Việt Nam, sản xuất Ethanol nhiên liệu (E100) chủ yếu dựa vào mì, hiệu suất chuyển hóa nguyên liệu đạt tới 92% do tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới. Theo điều tra, định mức chung hiện nay là 2,2-2,7 kg mì được 1 lít cồn nguyên liệu. Giá mì hiện tại khoảng 2.000 đồng-2.500 đồng/kg, tính ra chi phí nguyên liệu trên một lít cồn thành phẩm là 4.600-5.750 đồng. Nếu tính theo lý thuyết, chi phí nguyên liệu chiếm 70% giá thành thì chi phí sản xuất 1 lít cồn sinh học ở Việt Nam ước khoảng 6.571-8.214 đồng. Với chi phí này, hiện giá thành sản xuất Ethanol tại Việt Nam rẻ hơn giá xăng nhập khẩu (giá CIF) trên dưới 1.000 đồng/lít.

Cũng với cách tính toán như trên, 1 ha mì cho năng suất trung bình 16 tấn củ tươi/năm, tương đương 5,92 tấn mì khô, sản xuất 2.691 lít Ethanol, giá trị thu nhập 14,8 triệu đồng (giá 2.500 đồng/kg mì khô). Còn 1 ha mía cho năng suất 50 tấn/năm, tương đương 4.700-5.000 kg đường, cho 2.000 kg mật rỉ, sản xuất 600 lít Ethanol, giá trị thu nhập 40 triệu đồng (giá mía 800.000 đồng/tấn). Xét về hiệu quả, trồng mía cho thu nhập cao hơn mì. Song sản xuất cồn từ mía ở ta chủ yếu làm từ rỉ đường-một sản phẩm phụ trong quá trình tinh luyện đường, do vậy chi phí vẫn có phần đắt hơn làm từ mì.

Để xăng E5 tiếp cận thị trường, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xăng sinh học như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông... Đặc biệt phải làm sao cho giá xăng E5 phải rẻ hơn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/lít so với xăng A92 thì mới khuyến khích người dân sử dụng. Ngành hữu quan và nông dân nên có kế hoạch tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất mì và bảo vệ độ phì của đất, góp phần tích cực trong việc mở rộng diện tích trồng các loại cây trồng truyền thống. Nếu xây dựng nhà máy chế biến xăng Ethanol từ rỉ mật và mì khô tại Gia Lai, chắc chắn ngành công nghiệp chế biến của tỉnh sẽ còn phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển trong giai đoạn tới.

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm