(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sơn Lang (huyện Kbang) luôn đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương đẹp giàu. Đến nay, Sơn Lang đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Xã Sơn Lang có 9 thôn, làng với 1.206 hộ/4.161 khẩu. Do nằm ở vùng sâu, vùng xa, có diện tích rộng, các thôn, làng cách xa nhau, có thôn cách trung tâm xã 17 km nên cơ sở hạ tầng nông thôn của xã còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, khi bắt tay xây dựng NTM, xã đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy, đến nay, 100% các tuyến đường xã, liên xã đã được bê tông hóa; 93,5% đường thôn, làng và 100% đường nội đồng được cứng hóa.
Một góc xã Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: A.P |
Trên con đường bê tông thẳng tắp về làng Hà Nừng, nhiều ngôi nhà mới xây mọc san sát, xen lẫn vườn cà phê, cây ăn quả xanh mướt là minh chứng sinh động cho sự đổi thay của vùng quê này. Chứng kiến sự đổi thay trên quê hương mình, ông Đinh Hnih phấn khởi cho hay: “Từ khi xây dựng NTM, bộ mặt làng, xã có nhiều đổi thay, phát triển. Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế khang trang. Các tuyến đường giao thông nội làng phần lớn được bê tông hóa, giúp việc đi lại của bà con được thuận lợi hơn”.
Để có những tuyến đường to, đẹp, quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, cùng với nguồn lực Nhà nước, xã Sơn Lang còn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, công trình công cộng. Những năm qua, người dân đã hiến 16.000 m2 đất, trên 5.000 ngày công, đóng góp 5,8 tỷ đồng chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM. Ngoài ra, nhờ tuyên truyền, vận động nhân dân chuyên đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, nhiều mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu đã được hình thành, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Đinh Dũng (làng Hà Nừng) cho biết: “Năm 2006, huyện Kbang hỗ trợ 100 cây sa nhân tím, mình đem trồng dưới tán bời lời. Đến nay, gia đình đã nhân rộng trồng sa nhân tím ra hơn 2 ha, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình còn thu nhập từ cà phê, cây keo khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình mình đã xây dựng nhà khang trang, lo cho các con ăn học đàng hoàng”. Còn anh Phạm Tố Hữu (thôn Thống Nhất) chia sẻ: “Nhận thấy cây có múi hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho thu nhập cao, đầu năm 2015, tôi phá bỏ 8 sào cà phê chuyển sang trồng 250 cây quýt đường, 50 cây bưởi da xanh và 200 cây cam sành. Từ vườn cây này, hàng năm, gia đình tôi thu về 150-180 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 3 lần so với trồng cà phê”.
Đường bê tông thẳng tắp vào làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang. Ảnh: An Phát |
Theo kết quả rà soát năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 38 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 chỉ còn gần 4%; trên 93% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện… được đầu tư, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu dân sinh. Với những kết quả đó, tháng 2-2020, Sơn Lang được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo ông Nguyễn Phi Luyện-Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lang, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện; sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân. “Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, trong nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Sơn Lang xác định xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở với phương châm “Xã bám thôn, làng; cán bộ, đảng viên bám hộ gia đình” để tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức trong làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa… đặc biệt là phải tập trung giữ vững các tiêu chí như hộ nghèo, thu nhập”-ông Luyện thông tin thêm.
AN PHÁT