Xã hội

Đời sống

Song An: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin có ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để người dân được tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác, hàng năm, xã Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Linh hoạt hình thức thông tin

Hình ảnh ông Hồ Chờ điều khiển xe gắn máy, phía sau chở theo chiếc loa di động đến từng ngõ ngách trong thôn để phát đi phát lại những thông báo của địa phương đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Thượng An 3. Mỗi khi thôn có việc cần, ông liền sắp xếp thời gian, nhiệt tình chở loa đi tuyên truyền. Ông còn thường xuyên lắng nghe ý kiến góp ý của bà con để làm việc ngày một tốt hơn.

“Người dân góp ý, mình điều chỉnh nhịp đọc chậm lại, rõ và to hơn. Khi chở loa đến khu vực đông dân cư thì đi chậm lại hoặc dừng lại một lúc để bà con nghe thông tin đầy đủ, chính xác. Mình thường tranh thủ đi lúc sáng sớm hoặc chiều muộn vì thời điểm này bà con chưa đi làm hoặc đã đi làm về”-ông Chờ bộc bạch.

Ông Dương Thành Ngộ (bìa trái) trao đổi nội dung bản tin với ông Hồ Chờ. Ảnh: H.P

Ông Dương Thành Ngộ (bìa trái) trao đổi nội dung bản tin với ông Hồ Chờ. Ảnh: H.P

Ông Dương Thành Ngộ-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thượng An 3-thông tin: “Xã cấp cho thôn 1 chiếc loa di động nhưng công suất hạn chế. Do đó, thôn đã liên hệ với hộ ông Chờ mượn loa di động mỗi khi cần tuyên truyền và nhận được sự đồng tình. Ông Chờ có giọng đọc to, rõ ràng. Thôn chuẩn bị những nội dung cần tuyên truyền, soạn thành văn bản, nhờ ông Chờ đọc, thu âm và phát qua loa di động đến với người dân”.

Ngoài loa di động, thôn còn chuyển tải thông tin thông qua 4 cụm loa và các cuộc họp định kỳ, họp đột xuất. Thời gian qua, thôn đã tập trung tuyên truyền việc cài mã định danh điện tử; công tác phòng cháy, chữa cháy, vận động các hộ dân trang bị bình chữa cháy... Qua thống kê, trong đợt đầu vận động, 67 hộ dân đã đăng ký mua bình chữa cháy.

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò quan trọng, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, giúp người dân tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xã đã vận dụng nhiều hình thức để đẩy mạnh công tác truyền thông; tuyên truyền trực quan với hệ thống pa nô, áp phích; hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ; các hoạt động cộng đồng, mô hình, câu lạc bộ; mạng xã hội (Facebook, Zalo)...

Các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và từng đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về 3 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đặng Thị Hiếu cho biết: Toàn xã có 1.041 hội viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi hội, trong đó có 96 hội viên người dân tộc thiểu số. Hội tuyên truyền các văn bản và thông tin liên quan đến hội viên phụ nữ qua các buổi sinh hoạt chi hội như: mô hình “Góp vốn xoay vòng”, câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”; hội thao, hội thi... Đặc biệt, Hội đã lập các nhóm Zalo để kịp thời thông tin đến cán bộ, hội viên.

“Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả, trước khi xây dựng kế hoạch, Ban Chấp hành Hội LHPN xã chỉ đạo các chi hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Qua tìm hiểu, biết chị em có nhu cầu về vốn vay, giải quyết việc làm, chi hội tổng hợp danh sách và làm việc với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để kịp thời hỗ trợ hội viên”-Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết thêm.

Đoàn xã cũng đã phát huy lợi thế các Fanpage, thiết kế inforgraphic, xây dựng trailer, video clip... để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chủ trương, nghị quyết, tài liệu sinh hoạt của Đoàn; thông tin chương trình vốn vay phát triển kinh tế, nhu cầu tuyển dụng, giải quyết việc làm... Song song với hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội, Đoàn xã còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức hội thi, liên hoan tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa để ĐVTN và người dân nắm bắt thông tin.

Bí thư Đoàn xã Võ Tuấn Vũ cho hay: Hầu hết ĐVTN đều sử dụng Facebook, Zalo. Vì vậy, Đoàn xã đổi mới hình thức tuyên truyền giúp ĐVTN dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết. Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, ĐVTN trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế.

Tạo chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm

Theo chị Đinh Thị Quế-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pốt, trước đây, nhận thức của hội viên phụ nữ còn nhiều hạn chế. Nhiều chị làm ra bao nhiêu tiền tiêu hết bấy nhiêu. Thậm chí, có hộ vay mượn để chi tiêu trước, rồi làm việc trả sau.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, chị em đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị em tích cực lao động, tận dụng đất sản xuất để trồng trọt, chăn nuôi. Hiện 27/96 hội viên của Chi hội tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Năm 2022, các thành viên Câu lạc bộ đã tiết kiệm được trên 500 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm, các chị mua bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình; sắm các vật dụng sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất; chuẩn bị quần áo, sách vở, xe đạp cho con cái vào đầu năm học mới.

Chủ tịch Hội LHPN xã Đặng Thị Hiếu (giữa) trao đổi với các chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, làng về những nội dung cần thông tin, tuyên truyền đến hội viên. Ảnh: H.P

Chủ tịch Hội LHPN xã Đặng Thị Hiếu (giữa) trao đổi với các chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, làng về những nội dung cần thông tin, tuyên truyền đến hội viên. Ảnh: H.P

Cùng với đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xã cũng tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; vận động doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nhận lao động tại địa phương vào làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các hội, đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho 3 hộ nghèo, cận nghèo vay 110 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ủy ban nhân dân xã đã lập dự án hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với Tiểu đoàn 14 (Sư đoàn Bộ binh 2) hỗ trợ giống vật nuôi cho 1 hộ nghèo với kinh phí 8 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ giống vật nuôi cho 3 hộ nghèo với tổng kinh phí 30 triệu đồng; Hội LHPN 11 xã, phường và Hội Phụ nữ Công an thị xã hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 8 triệu đồng cho hộ cận nghèo.

Xã Song An có 1.294 hộ, trong đó có 83 hộ dân tộc thiểu số. Đến nay, xã còn 34 hộ nghèo (chiếm 2,63%), 45 hộ cận nghèo (chiếm 3,47%). Trao đổi với P.V, ông Khưu Doãn Huân-Chủ tịch UBND xã-nhấn mạnh: Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và lồng ghép triển khai các mô hình, nhận thức của người dân đã chuyển biến rõ rệt. Người dân đã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn thay đổi cách thức trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện cuộc sống. Mục tiêu của địa phương năm 2023 là phấn đấu giảm 7 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.

Theo đó, xã chú trọng công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình cuộc sống của người dân để có hình thức giúp đỡ phù hợp; vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm chung tay vì người nghèo. Mặt khác, lồng ghép các chương trình, dự án, tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn cho hội viên, đoàn viên nghèo, cận nghèo, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Có thể bạn quan tâm