Kinh tế

Sông Ba cạn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Ba cạn nước kéo theo hàng trăm ha đất canh tác nông nghiệp của người dân dọc lưu vực sông bị khô hạn, nứt nẻ, cây trồng chết khô.

Sông Ba “khát”

Sông Ba cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho hàng ngàn hộ dân khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai.

 

Trạm bơm điện Tú An “đắp chiếu” gần 1 tháng. Ảnh: N.T
Trạm bơm điện Tú An “đắp chiếu” gần 1 tháng. Ảnh: N.T

Năm 2011, khi thủy điện An Khê-Ka Nak tích nước, chuyển dòng, việc xả nước thải của hàng chục nhà máy, công ty và rác thải sinh hoạt của người dân khiến con sông được coi là biểu tượng của sự hùng vĩ của đại ngàn dần trở thành sông “chết”. Một trong những nguyên nhân chính khiến sông Ba thiếu nước trầm trọng là việc Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak tích nước phát điện phía thượng nguồn nhưng không trả nước về sông Ba như thông thường mà theo đường ống dẫn xuyên đèo An Khê tiếp tục vận hành Nhà máy Thủy điện An Khê ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) và xả nước ra sông Côn. Dòng chảy thay đổi khiến sông Ba dần khô cạn.

Bước vào mùa khô năm nay, sông Ba cạn trơ đáy nhiều đoạn. Tại Kbang, sông Ba đoạn chảy qua thị trấn cạn nước, bốc mùi hôi thối. Rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi bên bờ và dưới sông. “Hàng năm cứ đến mùa khô, nước phía trên đập xả cầm chừng nên nước sông Ba luôn trong tình trạng kiệt nước và ô nhiễm nặng”-ông Nguyễn Văn Luận (trú tại tổ 4, thị trấn Kbang) nói.

Mực nước tại hồ chứa An Khê (thị xã An Khê) xuống thấp kỷ lục, dưới mực nước chết. Nhiều chỗ cạn khô nước. Đất, đá, dấu vết nhà ở của người dân bị ngập trước đây nay trơ trên mặt đất. Từ dấu tích của mực nước trên thân đập cho thấy, nước đã cạn 3-4 mét. Sông Ba đoạn qua thị xã An Khê, nhìn từ cầu sông Ba chỉ còn lại những vũng nước đọng, bốc mùi hôi thối. Tương tự, đoạn cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa), cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa) cũng cạn kiệt, nhiều đoạn, nước sông Ba chỉ rộng hơn 2 mét.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: “Trước Tết, tôi đi kiểm tra và phát hiện Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak mở cửa xả nước không đạt theo quy định 4 m3/s. Sông Ba, đoạn qua địa phận thị xã An Khê đã cạn nước nhiều nơi khiến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thị xã gặp khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị cấp trên có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước và ô nhiễm sông Ba. Đối với thị xã, chúng tôi tổ chức thống kê và vận động nhân dân tạm thời chưa gieo trồng ở những diện tích có nguy cơ bị hạn”.

Dân lao đao vì hạn

Hạn hán đang khiến hàng ngàn hộ dân sinh sống, sản xuất dọc sông Ba khốn đốn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, đến thời điểm này, hơn 60% diện tích cây trồng trong tổng số 10.000 ha của thị xã An Khê bị ảnh hưởng của nắng hạn. Nhiều diện tích cây trồng mất trắng. Phần lớn diện tích này nằm dọc lưu vực sông Ba. Xã Tú An chịu thiệt hại nặng nề nhất.


Thị xã An Khê có 3 trạm bơm điện. Tuy nhiên, đến nay cả 3 trạm đều dừng hoạt động. Mực nước tại hồ chứa xuống quá thấp, không đủ nước dẫn vào mương nơi đặt máy bơm. Trạm bơm điện xã Tú An là trạm có công suất lớn nhất với 4 máy bơm nhưng đã “đắp chiếu” gần 1 tháng nay. Kênh mương khô khốc. Diện tích đất canh tác nông nghiệp xung quanh trạm bơm nứt nẻ. Cây trồng cháy khô vì thiếu nước.

Hơn 10 ha lúa tại cánh đồng Rộc Nhen, trong vùng tưới của trạm bơm điện xã Tú An hư hại hoàn toàn do thiếu nước. 2 sào lúa đã đến thời trổ đòng của anh Nguyễn Tiến Dũng (trú tại thôn Cửu Đạo 2, xã Tú An) khô héo vì nắng. Nhiều chỗ, lúa đã cháy ngọn, thân chuyển màu vàng. 3 sào lúa của ông Lương Văn Hảo (trú tại thôn Cửu Đạo 2, xã Tú An) cũng trong tình trạng này. “Nắng to quá và cũng không có nước tưới nên lúa chết hết. Vụ này mất trắng rồi, tôi cắt lúa về cho bò, bò cũng không ăn vì chát quá”-ông Hảo chia sẻ.

Cạnh đó, cả gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (trú tại thôn Cửu Đạo 2, xã Tú An) cùng kéo dây để bơm nước chống hạn cho 1 sào lúa. Gia đình anh Tuấn có 2 sào trồng lúa, trong đó có 1 sào hư hại hoàn toàn. Để cứu vớt sào còn lại, gia đình anh thuê máy bơm nước từ ao cách đó 500 mét, một lần tưới hết 5 lít dầu. “Năm ngoái tôi thu hơn 10 triệu đồng từ tiền bán lúa, năm nay cũng gieo nhưng nắng quá chết hết. Thấy xót của thì tưới vậy chứ chắc không cứu nổi, lúa trồng hai tháng mà mới cao hơn 1 gang tay thì trổ đòng sao nổi”-anh Tuấn buồn rầu nói.

Tại huyện Ia Pa, tình trạng hạn hán khiến mực nước sông Ba xuống thấp, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng. Cánh đồng Ia Kdăm rộng 500 ha không thể sản xuất vì thiếu nước. Tại các xã Ia Tul, Ia Broăi… người dân đào giếng gần ruộng để bơm nước chống hạn cho cây lúa. Tại huyện Krông Pa, tình trạng hạn hán ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là khu vực gần sông Ba. Trạm bơm điện xã Chư Gu gặp nhiều khó khăn khi bơm nước phục vụ tưới tiêu do mực nước sông Ba xuống thấp và bị chặn dòng phía trên bởi công trình thủy điện Đak Srông 3A và 3B. Tại các xã khác dọc theo sông Ba, người dân phải đặt máy bơm sát lòng sông Ba để bơm nước tưới cây thuốc lá, lúa…

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm