(GLO)- Tôi từng có một khoảng sân nhỏ, chả biết làm gì, bèn... treo mấy giò lan. Thì cứ lắt lay thế, thi thoảng thế, bất chợt thế, năm thì mười họa xịt cho nó tí nước, rồi... quên đi. Một sáng, mở cửa thấy muốt lên mấy cái nụ, rưng rưng mưng mở. Tự nhiên thấy như cả một khoảng trời mở ra trước mắt mình, thấy như cuộc đời trong văn vắt hiện hữu trước mặt.
Rồi từ đấy thì chăm. Ngày nghỉ, sau khi uống cà phê là dạo một vòng các “chợ lan” vỉa hè Hai Bà Trưng, Quang Trung... chọn mua về rồi kỳ cạch trồng, treo. Từ lác đác mấy giò, chả mấy chốc, tôi có cả một khoảng sân đặc lan. Thành ra, mỗi sáng lại phải làm một việc “bất đắc dĩ” là đảo lan, giò nào nở đẹp thì đảo ra chỗ dễ ngắm, những chậu sắp tàn hoặc chưa nở phải nép vào trong...
Không gian một quán cà phê lan rừng. (ảnh internet) |
Và mới phát hiện rằng, hóa ra lan ấy tuy khó tính, kén đủ thứ nhưng lại... thương người. Mình yêu nó, nó yêu lại mình. Mình chăm nó, nó dâng hiến lại mình, nở cho mình những gì tinh túy nhất, trinh nguyên nhất, lộng lẫy nhất... mà nó có được.
Rồi do hoàn cảnh, khoảnh sân lan của tôi đã phải dứt ruột san ra, chia sẻ cho bạn bè, không còn chỗ treo lan nữa. Nhưng những gì tốt đẹp nhất, nguyên vẹn nhất của cái đẹp của lan trong tôi vẫn vẹn nguyên như thế.
Vì thế nghe nói ở đâu có lan đẹp là tôi lại lò mò tìm đến ngắm và nghe. Nghe các chuyên gia nói về lan, bởi thích thì chơi thế chứ có biết loài nào ra giống nào đâu. Có giò nào nở là lại chạy cuống đi hỏi tên tuổi của chúng.
Và hóa ra, người chơi lan rất đông.
Lần ấy có 2 chị con gái một vị tướng lừng danh từ Hà Nội vào, điện cho tôi nhờ đưa đến vườn lan Trần Quý Cáp xem và mua lan. Ở Pleiku và cũng yêu lan mà lần đầu tiên tôi biết nơi này. Quả là một thế giới lan. 2 bà chị mua mấy thùng mang về Hà Nội. Lại nhớ, một lần tôi cũng đóng một thùng như thế mang ra Hà Nội tặng một người bạn. Nhẽ đi máy bay, nhưng vì có lan nên tôi đi xe giường nằm để hộ tống chúng. Ra Hà Nội tôi lại trực tiếp ra chợ mua các loại vật liệu rồi vào lan treo ở ban công tầng... 5 cho ông ấy, mua cả lưới che rất cẩn thận. Rồi về, mấy tháng sau, ông này chụp ảnh cho tôi xem lan. Nó thành... củi sạch rồi. Thì ra giữa yêu lan và chăm lan là cả một khoảng cách không hề nhỏ.
Mới nhất, một anh bạn quen trên facebook nhắn: Mời anh xuống nhà em ngắm lan, thưởng trà. Thế là nhân sáng chủ nhật, phóng xe xuống 466 Lê Thánh Tôn, trang trại lan Công Danh để uống trà và nghe về lan. Thì ra Pleiku còn có một thế giới khác, thế giới tĩnh lặng, sống chậm và hết sức thú vị.
Xuống đây mới thấy ngợp. Cả khu vườn mênh mông 2 vợ chồng chơi hoa, rau, cây, cá... toàn loại sạch. Trà nguyên búp sen Hồ Tây trong ngăn đá mang ra. Nhìn bộ đồ trà biết đây là dân trà thứ thiệt, có độc ẩm, song ẩm, quần ẩm... Nhìn cái cách ông chủ pha trà thì nghĩ, các cụ ta thời xưa sẵn sàng kết nạp cho tay này hầu, nhưng Công còn hơn các cụ xưa, đó là biết lúc nào thì nước 80 độ, lúc nào 90 và lúc nào thì 100... để ra hết trà, để thưởng trà nó ra cung ra bậc, có thăng có giáng chứ không bị... sự dàn đều ru ngủ. Các cụ xưa thì nước cứ phải trên 100 độ. Là các cụ đã phải nấu nước mưa trong siêu đồng, mà là đồng mắt cua như cụ Nguyễn Tuân kể ấy, bằng than nhãn hoặc quả phi lao khô, trong cái hỏa lò bằng đất, xong dội xuống nền nhà đất sét lưu cữu qua nhiều đời mịn hơn... da em bé, nó xèo lên một tiếng, sủi như hành bỏ vào mỡ cực nóng phi thì được, lật đít ấm chén tráng vân vân các kiểu. Ở đây, Công thì một ấm trà pha được 7 nước, mà nước nào cũng như nhau, thế mới tài.
Mà cả 2 vợ chồng đều còn rất trẻ, đều bỏ việc về nhà làm nông. Tay ngang, nông dân cổ cồn vì học nghề khác, điện và kế toán, nhưng chịu khó học và tự nghiên cứu. 2 vợ chồng từng đèo nhau xe máy sang Đà Lạt làm thuê để... học lỏm bí quyết. Khi chủ nhà nghỉ thì nán lại lật tung thùng rác ra xem họ bón gì, phun gì, cứ thế mà rồi thành chuyên gia, chuyên gia thứ thiệt. Hỏi có nợ không? Có chứ, nhưng nợ an nhiên, nhè nhẹ, dù năm ngoái mất cả tỷ đồng đầu tư vào giống hồ tiêu.
Dưới vườn có nhà kính, trồng dâu tây, cà chua Nhật... Trên giàn là lủng lẳng lan, mênh mông lan, dằng dặc lan... Cả 2 vợ chồng quyết làm nông nghiệp sạch. Từ cái cách tự ngâm lấy phân, đến tự tạo, lai giống, mày mò và... chơi chứ ít bán. Tết mới mang lan ra chợ hoa bán và đấy là thu nhập chính của... cả năm. Quanh nhà là cây, có cái phòng uống trà rất chuyên nghiệp, xung quanh sáng choang, hoa bày la liệt. Bàn trà có thắp trầm nữa...
Tôi nói với 2 vợ chồng lúc chia tay, sống như các em sướng, nhưng cũng... khổ. Công cười, biết đủ là đủ, biết sướng là sướng. Vợ đế thêm: Lấy nhau thì dễ, nhưng sống với nhau mới khó. Cái cách 2 vợ chồng này nói với nhau, thấy rằng họ sống với nhau đã dễ rồi, đã phu xướng phụ tùy rồi.
Hiện cả cái trang trại to oạch thế, chỉ 2 vợ chồng làm, mà hàng ngày vẫn ngồi nhâm nhi trà, thắp trầm ngắm hoa, rồi chăm lan...
Có một cuộc sống chậm, ẩn bên trong cái hừng hực hối hả của một đô thị Pleiku đang phát triển. Rất nhiều du khách đã biết nơi này. Vợ Công kể, có những đoàn khách đến đây chỉ để xin uống trà và ngắm lan...
Văn Công Hùng