Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Sóng gió chờ đợi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ vào các hoạt động du lịch được khai thác mạnh trở lại. Dù vậy, vẫn có nhiều sóng gió đang chờ đợi ngành BĐS ở phía trước.
 
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục mạnh. Ảnh: B.C
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục mạnh. Ảnh: B.C
Sự phục hồi ngoạn mục của du lịch
Theo Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 60,8 triệu lượt, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ và 1,3 lần so với mức trước đại dịch. Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa đã vượt kế hoạch của Chính phủ là 60 triệu lượt cho cả năm 2022 chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, Việt Nam đã đón hơn 601.982 lượt khách quốc tế trong 6 tháng, tăng 582,2% so với cùng kỳ nhưng vẫn chỉ tương đương 7% mức trước đại dịch.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, thị trường BĐS nghỉ dưỡng liền thổ phục hồi nhanh chóng với lượng tiêu thụ tăng 267,1% so với cùng kỳ lên 5.933 căn. Nguồn cung mới chủ yếu đến từ Phú Quốc, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh.
"Chúng tôi tin rằng BĐS nghỉ dưỡng sẽ nhanh chóng phục hồi cùng với sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. BĐS nghỉ dưỡng liền thổ sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi khi người tiêu dùng tìm kiếm các địa điểm có không gian yên tĩnh và môi trường ngoài trời.
Chúng tôi nhận thấy các thành phố ven biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đang được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng phát triển với các dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Long Thành, mang tiềm năng tăng trưởng cao cho nhà đầu tư" - chuyên gia của VNDirect nhận định.
 Vẫn còn những thách thức
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá sự cải thiện về doanh số ký bán và dòng tiền hoạt động trong 6 tháng đầu năm có thể hỗ trợ cho các khoản nợ đáo hạn của các công ty BĐS niêm yết tại Việt Nam ít nhất 12 tháng tới dù gặp thách thức tái cơ cấu nợ.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp BĐS niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh vào cuối quý II, với tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) trung bình chỉ 0,3 - 0,4x và tỉ lệ tiền và tương đương tiền tương đối cao, khoảng 15 - 20% tổng tài sản.
"Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang được kiểm soát tốt và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường giám sát dòng vốn tín dụng BĐS trong vài năm qua.
Chúng tôi kỳ vọng Nghị định 153 sửa đổi sớm được ban hành giúp các doanh nghiệp tiếp cận lại với kênh trái phiếu, một kênh huy động vốn ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam" - chuyên gia VNDirect cho hay.
Dù vậy, các chuyên gia nhận thấy nhu cầu BĐS, đặc biệt là các BĐS cao cấp, tích trữ và đầu cơ, vẫn gặp khó khăn trong nửa cuối 2022 do tín dụng vào các loại hình này hạn chế. Bên cạnh đó, phân khúc trung cấp và bình dân có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy và lãi suất gia tăng.
Ngành BĐS đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó là việc kiểm soát các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà; các nút thắt về pháp lý BĐS nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật Đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý IV của năm 2023.
Về mặt tích cực, các chuyên gia cho rằng giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt trong nửa cuối 2022, từ đó hỗ trợ đầu tư công cũng như giúp kìm hãm giá nhà.
Theo Trí Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm