Phóng sự - Ký sự

Sống giữa mùi phân bò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người đàn ông trung niên thôn Khách Nhi dẫn chúng tôi ra đầu xóm, chỉ xuống đoạn cống đang nổi lênh phênh những tảng phân bò cùng mùi hôi thối khủng khiếp, rồi thủng thẳng bảo: “Phân tươi đấy, thối lắm, từ trong nhà, tôi dùng hai cái quạt máy cỡ lớn quạt thốc ra mà cũng không hết được mùi. Quá khổ!”.

Thảm họa môi trường

Nguyễn Văn Hà - tên người đàn ông - không phải là “nạn nhân” duy nhất phải sống giữa mùi phân bò ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) này. Có nhà nhiều năm nay, cưới xin giỗ chạp gì cũng không dám mời bạn bè, thông gia tới nhà ăn cỗ vì... ngượng!

 

Cận cảnh một khu vực nuôi bò sát nhà dân. Phân bò và rác ngập các cống rãnh.
Cận cảnh một khu vực nuôi bò sát nhà dân. Phân bò và rác ngập các cống rãnh.

Đi trên những con đường Khách Nhi ngược, An Lão ngược, An Lão xuôi, An Lão trên, An Lão giữa của xã Vĩnh Thịnh, “cảm xúc” đầu tiên và xuyên suốt chính là các cống rãnh nổi phân bò và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Không khí quánh lại, hôi thối khủng khiếp. “Sức khỏe của chúng tôi đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng, tỉ lệ người trong làng chết vì bệnh ung thư tăng cao chưa từng có. Ngày nắng, mùi hôi thối xộc thẳng vào miếng cơm, ngụm nước, ngày mưa, cống rãnh giềnh lên rặt phân bò và nước rửa chuồng trại” - một người dân khác ở thôn Khách Nhi ngược chia sẻ - “Ngày mưa, phân bò chảy từ xóm này sang xóm kia, thậm chí, các kênh mương tưới tiêu trong khu vực này cũng tắc nghẽn do lắng phân. Nhiều ao hồ phân bò đặc quánh, cỏ mọc lên mặt, chó mèo chạy qua cũng không... lún”.

Công tâm mà nói, nghề nuôi bò sữa đã từng đem lại cho các hộ gia đình kinh tế khá ổn định. Tính bình quân thu nhập trên một con bò khai thác sữa là 26 triệu đồng/chu kỳ. Như vậy, so sánh hiệu quả kinh tế đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương thì bò sữa có hiệu quả vượt trội. Tuy nhiên, do phát triển không có quy hoạch và tính toán tới nguồn xả thải nên các hộ dân đều lập chuồng trại ngay trong khu vực dân cư và xả chất thải (gồm phân bò tươi, nước thải, nước rửa chuồng trại…) trực tiếp ra môi trường. Thậm chí người dân nuôi bò khi hầm biogas nhà mình đầy còn kéo xe phân ra chỗ nào trống là đổ vô tội vạ.

Số liệu sau đây của UBND xã thật đáng lo ngại: Mỗi ngày 4.800 con bò sữa cho khoảng vài chục lít sữa, đổi lại chúng thải khoảng 275 tấn phân tươi và nước thải ra môi trường (trung bình một con bò sữa tiêu tốn thức ăn trong 1 ngày khoảng 60kg thức ăn thô, 5 -7kg thức ăn tinh và khoảng 60 lít nước uống, vì vậy lượng chất thải của bò sữa là rất lớn).

Xin nhắc lại: 275 tấn phân và nước thải/ngày đêm, trong khi các biện pháp xử lý như hầm biogas, ủ phân… chưa thực hiện triệt để, có thể hình dung bầu không khí, nước mặt và nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm đến mức nào!

Ô nhiễm thị giác, thính giác thì đã quá rõ, còn ô nhiễm nguồn nước thì theo Trung tâm Y tế xã Vĩnh Thịnh: Dù chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức, song nước giếng khoan trong xã màu rất vàng. Trước đây người dân ăn nước giếng khoan nhưng giờ không dám ăn nữa mà xây bể chứa nước mưa rồi lọc để sử dụng. Cũng theo thống kê sơ bộ của y tế xã Vĩnh Thịnh thì tỉ lệ trẻ em, người già mắc bệnh hô hấp, truyền nhiễm gần đây ngày một gia tăng, cùng với đó số người chết do bệnh ung thư cũng tăng chóng mặt khiến người dân hoang mang, lo lắng.

“Thống kê sơ sơ gần đây toàn xã có hơn 30 trường hợp chết do ung thư, trong đó, chỉ riêng năm 2016 có 43 người mắc bệnh ung thư, 13 người đã qua đời, còn lại đang chữa trị, khó qua khỏi. 6 tháng đầu năm 2017 phát hiện thêm 3 trường hợp mắc bệnh ung thư, 1 người đã chết. Trước đây tỉ lệ mắc bệnh ung thư ít lắm, không thấy nhiều như thế này” - ông Nguyễn Phùng Xuân - quyền Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường - xác nhận. Thực ra, chưa thể khẳng định phân bò chính là nguyên nhân duy nhất của căn bệnh ung thư chết người mỗi ngày một tăng, nhưng có ai dám khẳng định ô nhiễm phân bò, nhất là ô nhiễm vào nguồn nước không phải là nguyên nhân chính?

Bế tắc?

Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Thịnh, 16 thôn của xã hiện đều đang chăn nuôi bò sữa, thôn nuôi nhiều bò sữa nhất là Khách Nhi ngược, nơi có hơn 87% số hộ trong thôn đang nuôi khoảng 700 con. Các hộ chăn nuôi bò sữa cũng đã nhìn ra thực trạng ô nhiễm song họ đều tâm sự vì “sức ép kinh tế nên phải nhắm mắt sống chung với ô nhiễm”. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có giải pháp cấp cho xã một máy ép phân. Tuy nhiên, mỗi ngày chiếc máy này ép được khoảng 2 tấn phân khô, còn tới 190 tấn phân tươi mỗi ngày vẫn xả trực tiếp ra môi trường. UBND huyện Vĩnh Tường thì từ năm 2007 cũng đã lập đề án đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư. Đề án này có mức đầu tư lên tới 150 tỉ đồng song chỉ có người dân nuôi bò của 11 thôn đồng thuận, 5 thôn còn lại không đồng thuận vì tiếc công, của đầu tư cho trang trại tại gia hiện có. Vì thế, đã 10 năm trôi qua, đề án này vẫn đang nằm trên giấy. Và lạ ở chỗ lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh cũng như huyện Vĩnh Tường cũng dường như không có động thái để tháo gỡ nữa.

 

 

Về điều “lạ lùng” đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Chí Thái bày tỏ rõ sự trăn trở. Ông bảo, người nông dân Vĩnh Thịnh chăn nuôi, sản xuất tiểu nông, tư duy vẫn còn lạc hậu, tiện đâu thì làm đấy, ngoài ruộng kia có thì tiến hành trồng cỏ voi, trong nhà có ít đất thì quay ra làm chuồng, thế rồi nuôi bò sữa ngay tại nhà tiện cho việc theo dõi chăm sóc. Cách thức nuôi bò của người nông dân Vĩnh Thịnh hiện tại không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, chất lượng sữa không cao và không ổn định, song họ lại không muốn ra khu chuồng trại tập trung.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Năm 2016 thì UBND huyện Vĩnh Tường quyết tâm khởi động lại đề án nuôi bò sữa tập trung. Và đến tháng 3.2017, báo cáo phương án quy hoạch thí điểm tổ chức sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường được Viện Quy hoạch Xây dựng Vĩnh Phúc khảo sát, lập ra khá bài bản. Theo đó, giai đoạn từ 2017-2020, khu chăn nuôi bò sữa tập trung sẽ được phát triển trên diện tích khoảng 6ha thuộc đất nông nghiệp của xã Vĩnh Thịnh. Giai đoạn 2 từ sau 2020 sẽ phát triển thêm 50% nữa, thêm khoảng 6ha để nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của bà con Vĩnh Thịnh cũng như trong khu vực.

Khu chăn nuôi tập trung không chỉ có chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường mà đặc biệt có khu xử lý chất thải tập trung, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là giải pháp được xem là phù hợp nhất nhằm hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế của người dân và yêu cầu đảm bảo môi trường sống trong lành, không ô nhiễm cho cả vùng.

UBND huyện Vĩnh Tường đã tiến hành họp với toàn bộ các thôn của xã Vĩnh Thịnh cũng như chính quyền địa phương, song tiếp tục có một số lớn hộ nuôi bò vẫn không muốn ra khu tập trung. Những hộ này cho rằng họ đã đầu tư vào chuồng trại cũ và đang chăn nuôi ổn định, nếu ra khu tập trung lại phải đầu tư vào chuồng trại mới với suất đầu tư khoảng 50-100 triệu đồng/ cho 7-10 con bò.

Trước sự bất đồng của người nuôi bò, ông Lê Chí Thái cho hay hiện vẫn đang đợi tỉnh phê duyệt và “tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với nội dung này. Chúng tôi quan niệm sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.

***

Sau trận mưa lớn, nhóm phóng viên cùng cán bộ xã phải đeo khẩu trang mới có thể đi được trên đường làng mà không ngộp thở. Ngang qua trạm thu mua sữa của một doanh nghiệp đặt tại Vĩnh Thịnh để thu gom sữa từ các hộ dân, chúng tôi có thể thấy trạm thu mua này khá thô sơ và nóng nực. Cộng với không khí đặc quánh mùi phân bò và các cống rãnh đen kịt, câu hỏi ám ảnh chúng tôi là: Nguồn sữa được các công ty sữa thu mua từ các trại bò nuôi tự phát trong khu dân cư liệu có sạch và đảm bảo chất lượng? Liệu có ngày nào đó, sữa vì bẩn mà bị doanh nghiệp thu mua trả lại, dẫn tới tình trạng người nông dân phải đổ sữa ra đường như từng xảy ra ở một số địa phương?

Hoàng Huy/laodong

Có thể bạn quan tâm