Hơn 10 năm qua, người dân TP.HCM đã quá quen thuộc với hình ảnh ông cụ mù ngồi bán bánh ở số 502 Nguyễn Tri Phương (Q.10). Tóc ông bạc trắng, hai tay run run ôm chặt rổ bánh bông lan, liên tục ngó nghiêng để mời chào khách. Giữa nhịp sống bộn bề, tấp nập, ông như một nốt nhạc trầm, khiến ai đi ngang cũng phải ngoái đầu nhìn lại thương cảm.
“Gia đình là ánh sáng đời tôi”
Ông Quang quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang), năm 9 tuổi vì gặp tai nạn mà ông mất đi đôi mắt. Gia cảnh khó khăn, ông cũng phải làm đủ thứ nghề nằm trong khả năng để mưu sinh.
Kể về biến cố đời mình, ông nói không ít lần ông cảm thấy tuyệt vọng. Người đàn ông kể, hồi đó vì chưa quen với bóng tối, ra đường là té bờ té ruộng, lạng quạng là đụng đầu xe.
“Số phận tôi vậy rồi, phải cố gắng thôi chứ biết sao. Nhưng may là gặp được bà xã, bà ấy thương và không chê tôi mù lòa. Vợ chồng tôi cứ thế nương tựa nhau mà sống. Gia đình là ánh sáng của đời tôi”, ông Quang miệng cười móm mém nói với tôi. Mười mấy năm qua, ông chỉ có thể hình dung bóng dáng xinh đẹp, dịu hiền của vợ là bà Nguyễn Thị Cưu (77 tuổi) qua trí tưởng tượng.
Nghĩ về chuyện bất hạnh, ông Quang nói với tâm thế bình thản, hài hước đến đau lòng. Trò đùa của số phận khiến người đàn ông đó mất đi đôi mắt nhưng đổi lại, ông có được thứ tình cảm thiêng liêng, không khoa trương, hào nhoáng nhưng chẳng mấy ai có được của vợ dành cho.
Bà Cưu cùng quê ở Tiền Giang, bắt đầu làm và bán bánh từ năm 13 tuổi. Hồi đó duyên trời sắp đặt, bà gặp ông Quang một lần ở chợ huyện rồi đem lòng yêu thương.
“Lúc nói với ba mẹ muốn lấy ông Quang làm chồng, họ cấm cản tôi dữ lắm. Họ sợ con gái mình khổ, lấy chồng là để có nơi nương tựa, ổn định mà ông lại mù lòa như vậy nên ba mẹ tôi lo. Về sau, thấy vợ chồng tôi kiên trì, ông ấy lại hứa chắc chắn sẽ lo lắng cho tôi đến hết đời nên ba mẹ cũng nguôi ngoai”, bà Cưu rưng rưng nước mắt.
Hai vợ chồng ông Quang hiện đang sống ở căn nhà tình thương sâu trong hẻm nhỏ đường Hà Hải Nguyên (Q.11). Vì tuổi cao sức yếu, bà Cưu chỉ có thể quanh quẩn trong nhà làm mấy chuyện lặt vặt. Còn ông Quang thì đi bán bánh hằng ngày, kiếm kế sinh nhai cho cả nhà. Họ có hai người con trai, anh đầu đã mất vì căn bệnh viêm màng não khi chỉ mới 28 tuổi. Anh sau thì cuộc sống cũng khó khăn, ai kêu gì làm đó.
Đôi vợ chồng già cứ thế đùm bọc, nương tựa nhau sống qua ngày. Bà Cưu bộc bạch, bà chưa bao giờ chê bai ông Quang. Ngược lại còn thấy thương và muốn được làm đôi mắt cho ông suốt đời. Dù đã lớn tuổi nhưng họ vẫn rất tình cảm, vừa đi bán về đến nhà, ông đã ríu rít gọi “Em ơi, em ơi, nay có mấy đứa ủng hộ nên được về sớm nè”.
Người TP.HCM tử tế đến lạ
Ông cụ cười hiền khô, để lộ hàm răng chiếc còn chiếc mất rồi kể, ngày trước khi mới cưới vợ, gia đình ông có về quê Tiền Giang sinh sống vài năm. Thời gian đó công ăn việc làm cũng khó mà lại nhớ TP.HCM da diết nên quyết định khăn gói lên đây lại.
Nhớ về những ngày đầu mới đặt chân lên TP.HCM (năm 2005) người đàn ông lắc đầu nói rằng: “Hồi đó cũng chẳng dễ dàng gì”. Đi bán vé số thì bị người ta giật, người ta lừa. Sau này không cầm cự được nữa thì về phụ vợ làm bánh đi bán bánh. Ở lâu trên mảnh đất này, mọi chuyện cũng dần ổn định hơn.
Thành phố này đất chật người đông, ông Quang nói có lẽ vì mình ở hiền nên hay gặp lành, những năm gần đây được người dân ở đây giúp đỡ nhiều. Ông vui tính: “Nếu không có các cô chú giúp đỡ, tội sụm (chết) lâu rồi. Mỗi ngày bán bánh ở đây cũng có được mấy chục dằn túi, trang trải trong nhà. Người ta đi ngang thấy tôi khổ quá, có khi ghé lại lì xì chút đỉnh, cũng có khi mua vài cái bánh để dành ăn sáng".
“Tôi mù lòa, người ta có lừa lấy bánh hay đưa tiền thiếu cũng khó mà biết. Nhưng may mắn tôi gặp người tốt nhiều. Cô chú thấy tôi tội nghiệp nên có tặng chiếc ghế tựa để ngồi, cái dù để che nắng che mưa. Mấy bạn trẻ thì cũng tới hỏi thăm, quay phim để lan tỏa. Tôi biết ơn lắm”, ông Quang xúc động.
Hôm tôi đến gặp ông Quang cũng gặp rất nhiều người trẻ đến mua bánh ủng hộ ông. Anh Phạm Nguyễn Quang Vinh (25 tuổi, ở Q.10) chia sẻ: “Tôi học gần đây, hay mua ủng hộ ông hai cái bánh. Bánh ông bán mềm, thơm mà chỉ có 10.000 đồng một cái. Xem như mình vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa làm việc tốt”.
Sống ở TP.HCM, cả đời vợ chồng ông Quang luôn mơ ước có được một ngôi nhà tử tế để ở. Vậy nên khi được bà con giúp đỡ xây nhà tình thương, vợ chồng ông mừng lắm, chẳng còn mong cầu gì hơn. Ông cụ vừa nói vừa quay sang hỏi vợ: “Có đúng không em?”.
Hình ảnh về thế giới, về con người nơi ký ức ông Quang đã khép lại vào năm 9 tuổi. Nhưng hình ảnh về vợ, về 2 đứa con, về tình thương và sự cưu mang của mọi người thì luôn rộng mở trong trái tim ông.
Trong căn nhà nhỏ nơi đôi vợ chồng già sinh sống, vài tia nắng len lỏi chiếu sáng cả một góc. Tuy yếu ớt nhưng lại khiến cho nơi ấy thêm tươi sáng, thêm hy vọng. Ước muốn cuối đời của họ là được đồng hành với nhau thật lâu, để căn nhà luôn có tiếng nói cười.
“Bà ấy lớn hơn tôi vài tuổi lại bệnh đầy mình nên tôi lo lắm. Mà thôi sống được với nhau ngày nào hay ngày đó, tôi sẽ cố gắng đi bán để kiếm tiền mua thuốc, trị bệnh cho vợ”, người đàn ông nói, tay vẫn nắm chặt tay vợ mình.
Theo Thái Thanh (TNO)