Phóng sự - Ký sự

Sống trên đỉnh núi-Kỳ cuối: Dân tộc tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khoảng ba thế kỷ trước, người Mông bị truy đuổi bởi người phương Bắc nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Thực tại sống trên núi cao, vì thế giống như định mệnh của dân tộc thiểu số này.


Tiếng nói của tự do

Trên một dốc đá lắt lẻo của bản Séo Lủng 2 thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ, chúng tôi đang tìm người hỏi đường, chợt một điệu khèn “hù, hú, hu...” vọng xuống từ một căn nhà gỗ trên triền núi cao.

 

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, người Mông thích ngồi trên đỉnh núi thế này.
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, người Mông thích ngồi trên đỉnh núi thế này.

Giữa trập trùng núi cao, điệu khèn đầy sự tự tình dân tộc ấy của người Mông đã dẫn dắt chúng tôi vượt dốc đến căn nhà gỗ của ông trên triền núi. Người thổi khèn là cụ ông Ma Khái Sò, 87 tuổi, một trí thức đồng thời là một nghệ nhân khèn Mông nổi tiếng.

Là người hiếm hoi vừa trình tấu và hiểu nội dung 360 bài khèn của người Mông, cụ Sò cho biết hầu hết những tri thức văn hóa và ký ức dân tộc Mông đều được lưu giữ trong các bài khèn. Nó phân thành bốn loại: sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc, chủ yếu thể hiện toàn bộ đời sống tâm linh; chỉ có một phần nhỏ mang tính văn nghệ mà thôi.

Cụ chứng thực điều này bằng một bài khèn dài, âm hưởng thật khoan thai lững lờ như những màn sương giăng trên những chóp núi đá cao.

“Các cháu có nghe nó ngòng ngọng như giọng nói của người Mông hay không? Người ta bảo đó là tiếng của tự do, là mồ côi và khèn chính là linh hồn, là lịch sử, là văn hóa Mông!”.

Thông qua các bài khèn, cụ Sò diễn giải về lịch sử dân tộc mình. Mấy thế kỷ trước, người Mông bị người Hán truy đuổi đã chạy dạt tứ tán đến những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Người Mông lưu lạc khắp nơi, đến đâu cũng ở trên núi, hình thành tính chất lưu vong, tự do trong mình. Những người bản địa gọi là không có quê hương. Còn người Mông thì tự nhận thấy mình “con mồ côi” là vì thế!”.

 

Những cô gái Mông băng núi đi hội.
Những cô gái Mông băng núi đi hội.

Theo các nhà nghiên cứu, tiếng hát mồ côi nằm trong năm thể loại chính của dân ca Mông, song lại có số lượng lớn nhất.

“Cho dù nguồn gốc chưa được khẳng định là nơi đâu, song người Mông sinh sống ở Việt Nam phần lớn từ Trung Quốc di cư sang khoảng 300 năm trước, do giặc Hán truy đuổi. Điều này rõ nhất trong tín ngưỡng thờ tổ tiên hoặc làm ma cho người chết, dòng họ nào của người Mông cũng có bài cúng “Đuổi giặc Hán” cả!” - ông Sùng Đại Hùng (giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, một người Mông ở xã Má Lé, huyện Đồng Văn) nói về dân tộc mình.

Khi người đàn ông Mông chết, họ sẽ được mặc một bộ đồ phụ nữ để đi sang thế giới bên kia. Tập tục này xuất phát từ một huyền thoại của lịch sử: dù người Mông bị người Hán truy diệt đến tận cùng, nhưng vì phụ nữ Mông quá đẹp cho nên khi bắt được dân Mông, người Hán chỉ giết đàn ông nhưng chừa lại phụ nữ để chiếm hữu.

Muốn tồn tại qua cuộc truy diệt ấy, đàn ông Mông đã phải cải trang thành phụ nữ. Và ngay khi chết đi, họ cũng buộc phải cải trang!

“Người tự do”

Nhà nghiên cứu Corlett cho rằng: Mông có nghĩa là “người tự do”. Khái niệm này rất phù hợp với khí chất người Mông và không gian sinh sống tách biệt, trên đỉnh cao của họ, giữa trùng điệp đá núi và sương mù vây phủ...

Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến, trong sách Những đỉnh núi du ca, nhận định: “Việc lựa chọn địa hình cư trú khắc nghiệt, sống trên những đỉnh núi là cái giá cho sự không phụ thuộc. Bởi nếu xuống vùng đất thấp, người Mông buộc phải chọn lựa thân phận bị trị bởi chủ nhân vùng Đông Bắc (là các Thổ Ty, Quằng Tày) và Tây Bắc (là Phìa, Tạo Thái).

 

Ông Ma Khái Sò.
Ông Ma Khái Sò.

Với một khí chất quật cường, vũ dũng và manh động, người Mông trong bức tranh địa lý - lịch sử Việt Nam là một kẻ đến muộn nhưng đã liên tục chiến tranh với các tộc người “bản địa” - chủ nhân của miền núi phía bắc Việt Nam là Tày và Thái.

Thất bại trong chiến tranh quân sự nhưng lại không chấp nhận thân phận bị trị, người Mông buộc phải co rút lên miền núi cao trên 800m - môi trường sống quen thuộc của họ hiện nay, nơi không có nước và đỉa.

Chọn lựa sống ở vùng núi cao Việt Nam là lựa chọn không mấy khó khăn đối với người Mông, bởi vùng núi cao Việt Nam vốn cùng một dải địa tầng với miền núi cao Vân Nam, nơi mà sự hiểm trở địa lý đã trở nên thành trì cố thủ nhiều đời của người Mông khi rút chạy khỏi sự truy bức của người Hán!”.

Trong khi đó, ông Sùng Đại Hùng, dựa trên ký ức lưu truyền của dân tộc mình, cho rằng sở dĩ người Mông chọn núi cao do luôn ám ảnh bởi sự truy đuổi của người Hán: “Vì sao người Mông ở đỉnh núi cao ư? Là vì giặc Hán truy đuổi, phải vào tận vùng sâu núi cao hiểm trở để trốn.

 

Lý giải việc người Mông sống trên đỉnh núi, TS Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng đó là một lựa chọn tất yếu của lịch sử vì khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ.

“Những vùng núi thấp thì những nhóm Tày, Nùng, Thái... ở hết rồi. Lưng chừng núi đã có người Dao... Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Và văn hóa của họ phải vận hành dựa trên điều kiện tự nhiên như thế!” - ông Sơn nhận định.

Các cụ của tôi thường khuyên con cháu là đừng có ở phố thị đông người mà nên đến ở nơi heo hút trên đỉnh núi cao. Các cụ vẫn còn ám ảnh bởi giặc Hán. Các cụ cho rằng khi đến được Việt Nam thì mười phần người Mông bị giặc Hán tàn sát hết chín...!”.

Những người nghiên cứu văn hóa Mông cho biết khi về đến vùng núi phía bắc Việt Nam, người Mông đã phải lấy đất của người Lô Lô - một tộc người vốn đến trước và sở hữu những đỉnh núi, để lấy đất sinh sống. Đó cũng là lý do trong các bài cúng của tất cả các dòng họ của người Mông, đều nhắc đến người Lô Lô với một sự tri ân nặng nghĩa ân tình...

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm