Đô thị

Nhịp sống Đô thị

"Sốt đất" bị chặn đứng, sức mua bất động sản Tây Nguyên giảm tới 30%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhu cầu đầu tư bất động sản Tây Nguyên đã ghi nhận giảm sau khi cơn sốt đất đầu năm được ngăn chặn, nhưng giá đất khu vực này lại không giảm và có xu hướng tăng.
Cầu bất động sản Tây Nguyên giảm
Thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021, thị trường bất động sản Tây Nguyên cũng không nằm ngoài vùng "sốt đất". Thực trạng này bắt nguồn từ các đối tượng đầu cơ thu gom đất trong dân, rồi phối hợp với giới "cò đất" tung tin đồn, tạo "sốt ảo" để bán lại với giá cao gấp nhiều lần.
Nguyên nhân được giới đầu tư cho rằng, do mặt bằng giá giá đất nơi đây còn thấp, nhiều đối tượng từ các nơi khác đến tìm mua các khu đất có diện tích lớn từ người dân địa phương, sau đó xin tách thửa để phân lô bán nền, hoặc tham gia đấu giá để mua lại số lượng lớn diện tích đất giá rẻ rồi "vẽ" ra dự án để bán đất với giá cao gấp nhiều lần.
Tại Lâm Đồng - địa phương này cũng không ít lần trải qua những cơn sốt khiến giá đất tăng chóng mặt. Một số điểm nóng có thể kể đến như như TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc.
Riêng tại Bảo Lộc, thời điểm giữa năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã đổ về khu vực này để nghiên cứu và triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng tìm đến khu vực này săn đất, qua đó đẩy giá đất lên cao.

TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành điểm thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Tấn
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành điểm thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Tấn
Mới đây, cập nhật tình hình bất động sản quý III/2021 tại Tây Nguyên, bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt cho biết, về cơ bản thị trường khu vực Tây Nguyên không thay đổi về cơ cấu sản phẩm hoặc nhà đầu tư đáng kể. Dịch Covid - 19 và các quyết định chấn chỉnh thị trường bất động sản Tây nguyên khiến thị trường không có nhiều biến động.
Đáng chú ý, theo bà Thắm, hiện tượng "sốt" giá cục bộ vùng ven đã hoàn toàn bị chặn đứng và sức cầu thị trường bất động sản giảm đáng kể lên đến 20 - 30% so với quý I/2021.
Giá không giảm
Cũng theo Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt Lê Thắm cho biết, thị bất động sản Tây Nguyên đang đối diện với sức cầu giảm trên hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, những sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý, hạ tầng đồng bộ và giá cả hợp lý cộng với chính sách bán hàng ưu đãi tốt vẫn tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư và khách hàng.
Đơn cử, tại Lâm Đồng, với điều kiện khí hậu, môi trường cùng với sự kiểm soát dịch rất tốt của tỉnh, Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn là chốn an toàn cho tất cả mọi người. Chính điều này cũng tạo nhiều cơ hội giúp các nhà đầu tư vẫn tìm đến mua bán đất Lâm Đồng.
Đặc biệt là những doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận thấy được tiềm năng của bất động sản làm cho thị trường nơi này chưa bao giờ hết nóng, họ sẵn sàng đầu tư cho mình những sản phẩm đẹp nếu nhận thấy được tiềm năng.
Số liệu từ Tâm Real chi nhánh Đà Lạt cho thấy, hiện nay, tại địa bàn TP Đà Lạt giá cả vẫn chưa bao giờ xuống, và có xu hướng đi lên do có rất nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh khác đến, cụ thể giá đất khu vực trung tâm giao động từ 200-500 triệu đồng/m2, bán kính 5-10km, giao động từ 10-100 triệu đồng/m2 thổ cư.
Đất nền tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng) đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Giá đất tại các khu vực vùng ven TP này dao động tầm 800 ngàn đồng – 5 triệu đồng/m2 dành cho đất không thổ cư, có sổ hồng, đường bê tông, xe hơi. Còn đất thổ cư có giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/m2 là cơ hội cho khách hàng đầu tư với số vốn ít chỉ tầm khoảng 400 triệu đến dưới 2 tỷ đồng/lô/100m2.

Đất nền huyện Lâm Hà cũng được nhà đầu tư quan tâm khi có thông tin sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng. Ảnh: Ngọc Báu
Đất nền huyện Lâm Hà cũng được nhà đầu tư quan tâm khi có thông tin sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng. Ảnh: Ngọc Báu
Cũng theo bà Thắm, trong tình hình dịch vẫn đang diễn biến, thì các homestay, nhà nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân không có hiện tượng bán giảm giá trong đợt dịch thứ tư này. Riêng các vùng như Đà Lạt, Bảo Lộc … thì những nhà đầu tư bằng vốn vay ngân vì dịch bệnh không có khách hàng, suy giảm nguồn thu nên buộc họ phải cắt lỗ sớm. Tuy nhiên, sức mua, và thanh khoản rất chậm mặc dù đơn đặt hàng và lượng khách hỏi mua vẫn có, việc siết chặt đi lại do dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao dịch mua bán hiện nay.
Tại thị trường Đắk Lắk, theo sàn bất động sản Thiên Tâm Land cho biết, trong quý III/2021, khách hàng vẫn quan tâm về các sản phẩm dự án, tuy nhiên do dịch bệnh nên các hoạt động chào bán chủ yếu là bán online, không có sản phẩm mới.
Do đó, việc giao dịch diễn ra chậm, giá cả không thay đổi và có phần giảm nhẹ so với các quý trước. Dự báo trong quý IV/2021 và năm 2022 thị trường Buôn Ma Thuột nói riêng và khu vực tây nguyên nói chúng sẽ tiến triển theo hướng tích cực và khởi sắc.
Minh Khôi (Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/sot-dat-bi-chan-dung-suc-mua-bat-dong-san-tay-nguyen-giam-toi-30-20211005230209197.htm

Có thể bạn quan tâm