Sức khỏe

Sốt xuất huyết diễn biến khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuần qua, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 451 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 7.375 ca, trong đó có  1 trường hợp tử vong. Đến thời điểm này, số ca mắc SXH trong tỉnh đã tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, có nhiều ca sốc SXH khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Diễn biến bất thường
Mặc dù ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các biện pháp nhưng vẫn chưa thể khống chế các ổ dịch SXH. Toàn tỉnh hiện còn tồn tại 272 ổ dịch SXH. Tuần qua, TP. Pleiku ghi nhận nhiều trường hợp mắc SXH với 95 ca, nâng tổng số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố lên 855 ca; tiếp đến là các huyện: Đak Pơ 823 ca, Krông Pa 701 ca, Chư Sê 679 ca, Chư Prông 634 ca, Chư Pưh 547 ca, Ia Grai 533 ca…
Do số bệnh nhân tăng cao nên Khoa Nội (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) luôn trong tình trạng quá tải, có trường hợp ghép đôi bệnh nhân chung 1 giường. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (tổ 3, phường Ia Kring) chia sẻ: Mẹ chị bị SXH, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố đã gần 1 tuần nay. Do bà đã lớn tuổi, sức đề kháng kém nên bệnh chuyển nặng, các y-bác sĩ thường xuyên theo dõi để phát hiện sốc và xử lý sớm. Hiện sức khỏe của bà đã tạm ổn định.
Bệnh nhi điều trị SXH tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Ý
Bệnh nhi điều trị SXH tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Ý
Theo bác sĩ Rơ Mah Yah (Khoa Nội, Trung tâm Y tế TP. Pleiku): Hiện nay, nhân lực thiếu nên phải tăng cường thêm bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH. Năm nay, SXH diễn biến bất thường. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng nên phải theo dõi thường xuyên, liên tục để kịp thời xử lý, nhất là khi có sốc xảy ra. 
Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh), số bệnh nhi SXH sốc nặng, tái sốc điều trị tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Khoa đang tiếp nhận điều trị cùng lúc 5 ca sốc SXH. Chị Trần Dạ Thảo (thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho hay, con chị 6 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc SXH, tràn dịch phổi, sau khi điều trị đã qua giai đoạn nguy kịch. “Bé bị ói nhiều, trước đó vẫn ăn được nên tôi cứ nghĩ bình thường. Nhưng sau đó cháu đau bụng quằn quại và bụng cứng lên, ói ra máu, gia đình vội cho cháu nhập viện. May mắn được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình nên cháu đã ổn định”-chị Thảo bộc bạch.
Gia tăng các ca sốc SXH
Năm nay, bệnh nhân SXH không chỉ gia tăng cao mà nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng. Bệnh nhân bị sốc sớm, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan nặng, xuất huyết nặng tăng phải chuyển lên khu hồi sức tích cực. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: “Bệnh nhân SXH vẫn còn gia tăng và tỷ lệ bệnh trở nặng, biến chứng, sốc SXH cũng ghi nhận nhiều hơn so với những năm trước. Tại Khoa ghi nhận nhiều bệnh nhi sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát mạch, tổn thương gan, tổn thương đa cơ quan như não, tim… Vì vậy, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn”. 
Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống SXH tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Ảnh: Như Ý
Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống SXH tại các khu dân cư. Ảnh: Như Ý
Bác sĩ Siu Ru-Phó Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Bệnh nhân có cơ địa béo phì, phụ nữ mang thai, bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc những bệnh lý về gan, thận khi bị SXH thường diễn tiến nặng. Do đó, đối với những trường hợp này, nếu có các biểu hiện của bệnh SXH thì nên đi khám sớm. Sốt xuất huyết là bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan với bệnh SXH.
Theo khảo sát của ngành Y tế tỉnh, hàng năm, đỉnh điểm dịch SXH thường tăng cao vào cuối tháng 8, tháng 9 và dự báo sẽ giảm vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, hiện đã là giữa tháng 10 nhưng số ca SXH vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà tiếp tục gia tăng, số ổ dịch SXH mới tiếp tục được ghi nhận tại 196/220 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngoài công tác thu dung, phân tầng điều trị, hạn chế thấp nhất các ca tử vong, công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy, loại bỏ môi trường sinh sản của véc tơ truyền bệnh cũng được ngành Y tế và các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện.
Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-nhấn mạnh: “Phòng-chống SXH hiệu quả nhất là không để cho muỗi có môi trường sinh sản, phát triển. Vì vậy, muốn dập dịch hiệu quả thì người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, loại bỏ những vật dụng chứa nước đọng ở khu vực mình sinh sống, khu vực lao động, làm việc để muỗi vằn truyền bệnh không còn sinh sản và phát triển”.
NHƯ Ý
 

Có thể bạn quan tâm