Sức khỏe

Sốt xuất huyết ở Gia Lai diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời điểm này mọi năm, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Gia Lai cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH tăng cao, ghi nhận vài chục ca mắc mỗi tuần. Theo đó, ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng-chống và khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan đối với dịch bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Gia Lai), trong năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 11.595 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong, tăng 10,7 lần so với năm 2021. Dịch bệnh xảy ra tại 1.039/2.082 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 211/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 300 ca mắc SXH (tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước). Dịch bệnh xảy ra tại 74/220 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Sê và thị xã Ayun Pa ghi nhận nhiều ca mắc SXH. Hiện toàn tỉnh còn 14 ổ dịch SXH chưa được xử lý dứt điểm.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chư Păh thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chư Păh thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Nguyện

Theo ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân số ca mắc SXH cao trong những tháng đầu năm là do dịch bệnh tăng vào cuối năm 2022 với nhiều ổ dịch hoạt động kéo dài đến đầu năm 2023 mới được khống chế.

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân giữa các vùng, miền dẫn đến việc nguồn lây bệnh phát tán từ vùng có dịch đến vùng không có dịch. Hiện nay, dịch bệnh SXH vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Trước đây, chu kỳ của dịch bệnh SXH thường từ 3 đến 5 năm nhưng nay thì rút ngắn xuống còn 3 năm. Cụ thể, trong các năm 2016, 2019 và 2022, Gia Lai ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao vượt trội so với các năm khác; trong đó, năm 2022 với trên 11.595 ca mắc.

Đặc biệt, hiện nay, tuy đã vào mùa khô nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca mắc. Vì vậy, có thể nhận định, SXH vẫn còn hiện hữu và có thể chu kỳ phát triển của bệnh đã rút ngắn. Mới đây, Sở Y tế đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức về vấn đề này. “Ngoài ra, qua ghi nhận các ca mắc SXH trên toàn quốc cũng như trên thế giới cho thấy, biến chứng của dịch bệnh có xu hướng kéo dài. Trước đây, giai đoạn nguy hiểm diễn ra khoảng 3-7 ngày, sau ngày bệnh nhân bị sốt nhưng hiện nay kéo dài từ 3 đến 10 ngày, thậm chí có trường hợp hơn 10 ngày. Chính vì vậy, công tác phòng-chống SXH không thể chủ quan, lơ là”-ông Nam nhấn mạnh.

Tại huyện Chư Sê, trong 2 tháng đầu năm 2022 không ghi nhận ca mắc SXH. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Chư Sê ghi nhận 22 ca mắc SXH. Ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Nhằm chủ động phòng-chống SXH, ngay từ đầu năm, các bộ phận chuyên môn đã chủ động tham mưu giúp Ban Giám đốc lập kế hoạch năm và tổ chức triển khai các biện pháp phòng-chống. Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS phối hợp giám sát thường xuyên, trực tiếp tại các khoa/phòng và các cơ sở y tế để kịp thời nắm bắt dịch bệnh xảy ra và chủ động xử lý, khống chế kịp thời. Tổ chức kiểm tra, giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh SXH tại các xã, thị trấn trọng điểm.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế kết hợp với nhân viên y tế thôn làng tiến hành công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy… tăng cường công tác truyền thông về phòng-chống SXH trong cộng đồng.

Cách phòng-chống SXH hiệu quả nhất chính là diệt lăng quăng/bọ gậy nhưng hiện vẫn chưa được xử lý triệt để tại gia đình. “Ý thức của một bộ phận người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy chưa đồng bộ, chưa chủ động thu dọn vật dụng chứa nước có lăng quăng/bọ gậy, nhất là khi có dịch xảy ra. Khi có dịch, nhiều hộ chỉ muốn phun hóa chất… khiến công tác phòng-chống SXH càng thêm khó khăn”-ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc CDC Gia Lai-cho hay.

Làm việc với tỉnh Gia Lai, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam-chuyên gia WHO-cho biết: “Qua làm việc với Sở Y tế và CDC Gia Lai, chúng tôi nhận thấy hệ thống y tế của tỉnh khá chủ động trong công tác phòng-chống SXH. Tuy nhiên, số ca mắc SXH vẫn còn cao, là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao trong năm qua và tiếp tục ghi nhận các ca mắc trong những tháng đầu năm 2023. Vì vậy, việc quan trọng là cần giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan và bùng phát; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân diệt lăng quăng/bọ gậy; tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ y tế cơ sở và quan trọng nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng-chống SXH”.

Có thể bạn quan tâm