Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Stơr vang tiếng chiêng ngân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một ngày nắng vàng như mật. Tại đây, chúng tôi thêm một lần được hòa mình trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, chiêm ngắm những bộ trang phục truyền thống của các bà, các mẹ. Tất cả tạo nên bức tranh thật đẹp và yên bình.

Từ ngã tư quốc lộ 19-đường Trường Sơn Đông, chúng tôi rẽ vào con đường dẫn tới Làng kháng chiến Stơr (làng phục dựng). Trời Kbang xanh ngắt và cao vời vợi. Hòa trong không khí tưng bừng hội hè hôm đó, trước sân nhà rông trong khuôn viên Làng kháng chiến Stơr, chúng tôi may mắn được tham dự buổi phục dựng lễ tỉa lúa đầu năm cùng bà con dân làng.

Đội cồng chiêng làng Stơr biểu diễn trong một lễ hội. Ảnh: V.T.T

Đội cồng chiêng làng Stơr biểu diễn trong một lễ hội. Ảnh: V.T.T

Trò chuyện cùng chúng tôi, già làng Đinh Grêng cho biết: Lễ tỉa lúa đầu năm là nghi lễ quan trọng gắn với đời sống dựa vào nông nghiệp từ bao đời nay của đồng bào Bahnar nơi đây. Đây là dịp để bà con tạ ơn Yàng Sri (thần lúa) đã giúp dân làng được mạnh khỏe, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây còn là dịp thiết lập sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.

Sáng sớm, người dân đã tụ tập khá đông tại sân nhà rông làng Stơr. Mỗi người mỗi việc, nét mặt ai cũng lộ rõ niềm vui. Tuy là nghi lễ phục dựng nhưng mọi thứ đều được bà con chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận. Tất cả đã mang đến cho người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Các thành viên đội cồng chiêng của làng có lẽ là những người hồi hộp và phấn khởi nhất, bởi họ trực tiếp tham gia trong các nghi lễ. Trong lúc đợi đến giờ lành để tiến hành lễ cúng, ông Đinh Grêng và bà Đinh Thị Yép hát đôi bài dân ca Bahnar truyền thống mượt mà, da diết. Nhóm chiêng và xoang, trong đó có nhiều em nhỏ cùng tấu lên khúc chiêng ngân vang cùng điệu xoang nhịp nhàng mừng ngày hội làng.

Đinh Thanh năm nay 10 tuổi, là thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cồng chiêng làng Stơr. Thanh cầm 2 cái xập xèng (tiếng Bahnar gọi là răng rai, một loại nhạc cụ được làm bằng đồng, trên bề mặt được đục lỗ để khi chạm vào nhau phát ra âm thanh) hòa cùng nhịp điệu của cả đội khi diễn tấu cồng chiêng khiến mọi người vô cùng thích thú. Ngay từ nhỏ, Thanh đã được mẹ đưa đến xem các ông bà, anh chị tập đánh chiêng, chơi nhạc cụ… Có lẽ vì vậy mà em đã tiếp thu nhanh và nhớ bài tốt.

Trưởng thôn Đinh Rơi chia sẻ: “Đội cồng chiêng làng Stơr đã hoạt động nhiều năm rồi, do bà con dân làng có cùng niềm đam mê và sở trường tập hợp nhau lại mà thành. Người già chỉ dẫn cho người trẻ, cứ như vậy mà gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Các thành viên ngày càng đông và hoạt động sôi nổi hơn.

Năm 2000, làng Stơr đón nhận danh hiệu làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Lúc này, đội cồng chiêng của làng được coi như chính thức thành lập, thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa-du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn. Các thành viên đều rất có ý thức trau dồi, rèn luyện kỹ năng nhằm mang đến cho du khách những màn trình diễn đặc sắc nhất. Người dân và du khách nếu có nhu cầu tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bahnar tại làng Stơr đều được các thành viên hướng dẫn tham quan, trải nghiệm”.

Các chị, các em là thành viên nhóm xoang trong đội cồng chiêng làng Stơr mặc trang phục truyền thống đẹp mắt khiến du khách rất thích thú. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Các chị, các em là thành viên nhóm xoang trong đội cồng chiêng làng Stơr mặc trang phục truyền thống đẹp mắt khiến du khách rất thích thú. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Trong số hơn 40 thành viên của đội cồng chiêng làng Stơr, ông Đinh Doen là người lớn tuổi nhất. Là một trong những thành viên đầu tiên của đội, ông luôn tận tình chỉ bảo, truyền dạy cách đánh chiêng cho thế hệ sau. Còn anh Đinh Sưn (SN 1984) được tham gia trình diễn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây cũng là động lực để anh cố gắng trau dồi kỹ năng cùng các thành viên mang lại những màn trình diễn hấp dẫn nhất phục vụ người dân và du khách. Khi có đủ kinh nghiệm, anh sẽ truyền dạy cho thế hệ trẻ để góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Nắng trưa bắt đầu chói chang. Men theo con đường nhỏ, chúng tôi di chuyển về phía cuối Làng kháng chiến Stơr phục dựng. Khu di tích này được phục dựng trên diện tích 3 ha với nhà rông, nhà sàn, kho thóc, chuồng gà, đường lên làng và bể nước, cổng rào… Các ngôi nhà đều được làm bằng chất liệu truyền thống để đảm bảo tính nguyên bản, tạo cảm giác tự nhiên, chân thật cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Dừng chân bên nhà sàn, tôi ngồi say sưa ngắm nhìn người thiếu nữ đang miệt mài giã gạo giữa không gian núi đồi. Một khung cảnh bình yên quá đỗi. Rồi tôi lại mong ước, thêm nhiều lần được đến với Kbang, đến với làng Stơr.

Có thể bạn quan tâm